Lon Coca lạ: "Không dại giẫm vào vết xe đổ như vụ Tân Hiệp Phát"

Thứ ba, 28/07/2015, 09:59
Với lon Coca-Cola lỗi, không có nước bên trong, anh Hưng cho biết "không dại giẫm vào vết xe đổ như vụ con ruồi giá 500 triệu đồng” của Tân Hiệp Phát".

Khách hàng yêu cầu Coca-Cola bồi thường thỏa đáng

Việc khách hàng Nguyễn Thế Hưng (Hải Dương) phát hiện lon Coca-Cola chưa bật nắp nhưng lại không có nước bên trong đã nhận được sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây.

Trong một lần tiếp xúc với đại diện của hãng, chủ nhân lon Coca-Cola này ngỏ ý muốn đổi lấy 100 triệu đồng hoặc iPhone 6.

Động thái này có nhiều điểm tương đồng với vụ chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát xảy ra hồi tháng 2/2015.

2 vụ việc trên giống nhau ở chỗ, người tiêu dùng mua phải một sản phẩm lỗi nhưng giữa khách hàng và nhà sản xuất chưa tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, vụ con ruồi được phát hiện trong chai nước của Tân Hiệp Phát, sản phẩm này sẽ gây hại trực tiếp đối với sức khỏe người dùng.

Còn lon nước ngọt không ruột của Coca-Cola mặc dù không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khách hàng nhưng lại gây bức xúc cho người mua khi bỏ tiền oan ra mua sản phẩm lỗi.

Với lon Coca Cola nhẹ bẫng dù chưa bật nắp, anh Hưng cho biết: Tôi muốn sự trao đổi phải có tầm tương xứng ( trong khuôn khổ pháp luật không cấm).
Với lon Coca-Cola nhẹ bẫng dù chưa bật nắp, anh Hưng cho biết: "Tôi muốn sự trao đổi phải có tầm tương xứng (trong khuôn khổ pháp luật không cấm)".

Theo Điều 8, Quyền của người tiêu dùng quy định, khách hàng được phép:

“Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Với lon Coca-Coca lỗi, khách hàng tên Hưng bày tỏ mong muốn hãng phải có sự bồi thường, thương lượng thỏa đáng trước khi anh cho phép nhà sản xuất thu hồi lon nước này về để kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, anh Hưng cho biết, anh "không dại giẫm vào vết xe đổ như của khách hàng trong vụ “con ruồi giá 500 triệu đồng” của Tân Hiệp Phát".

Còn nhớ trước đó, sau 3 lần thương lượng với khách hàng, công ty Tân Hiệp Phát đã chốt giá “đổi chai nước chứa con ruồi lấy sự im lặng” bằng... 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi hai bên đang giao dịch, khách hàng bị cơ quan công an bắt quả tang.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã nhận định: "Nếu con ruồi trong chai nước uống Number One của Tân Hiệp Phát là có thật thì đây là vấn đề dân sự.

Anh ta có quyền thỏa thuận tiền với công ty sản xuất sản phẩm. Điều này hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự.

Nếu phía công ty làm ăn chính đáng, đàng hoàng thì họ phải thương lượng với anh này. Nếu không thương lượng được thì các bên ra tòa án giải quyết.

Còn nếu anh này tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội "Cưỡng đoạt tài sản"".

Cũng tương tự, với trường hợp lon Coca-Cola không nước, anh Hưng cho rằng, anh có quyền thỏa thuận, trao đổi thương lượng dựa theo luật bảo vệ người tiêu dùng.

Không bán lon Coca-Cola lỗi với giá "hời"

“Tôi không quá đề cao việc bù đắp hay trao đổi. Nếu có thương lượng, tôi cũng sẽ chỉ giao lon với sự trao đổi rất thỏa đáng.

Trong trường hợp Coca-Cola mua lại lon nước ngọt lỗi với giá hời, tôi sẽ không bán” – anh Nguyễn Thế Hưng nói.

Bởi theo lý giải của anh Hưng, Coca-Cola là một thương hiệu nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng. Nếu như sản phẩm của Coca-Cola sản xuất ra bị lỗi có thể gây hại cho sức khỏe người dùng trên diện rộng.

“Tôi muốn sự trao đổi phải có tầm tương xứng ( trong khuôn khổ pháp luật không cấm). Và phía Coca-Cola phải coi đây là một bài học. Bởi nếu không đánh vào kinh tế, họ sẽ không làm tốt được.

Họ không thiệt hại sẽ có ý nghĩ “sai đâu sửa đó”, rồi khách hàng lại chịu sản phẩm lỗi” – anh Hưng nói.

Về vấn đề đạo đức, vị khách hàng này cho biết, nếu phía Coca-Cola chủ động thương lượng, tự nguyện đền bù theo mức hợp lý, có thể anh sẽ dùng số tiền hoặc vật phẩm đó làm từ thiện, hay những việc công ích khác.

“Tôi sẽ không sợ phía Coca-Cola đặt bẫy người dùng như vụ Tân Hiệp Phát vì tất cả việc tôi làm sẽ dựa vào cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng.

Đó sẽ là cơ sở để giải quyết mâu thuẫn với Coca-Cola một cách đúng quy trình và đúng luật nhất” – anh Hưng bày tỏ.

Theo anh Hưng, trước đó, khách hàng trong vụ Tân Hiệp Phát đã sai khi không dựa vào cơ quan bảo vệ pháp luật mà tự mình thương lượng trực tiếp theo kiểu vòi vĩnh, đe doạ, ép buộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát để trục lợi cho bản thân.

Từ đó dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.

Thư trả lời của Coca Cola với khách hàng, hãng nhấn mạnh mong muốn được hợp tác để sớm tìm ra câu trả lời chính xác nhất.
Thư trả lời của Coca-Cola với khách hàng, hãng nhấn mạnh mong muốn được hợp tác để sớm tìm ra câu trả lời chính xác nhất.

“Vụ con ruồi trong chai nước Number One không những để lại bài học cho tôi nói riêng mà còn là lời nhắc nhở với người tiêu dùng nói chung, khi mua phải bất kỳ sản phẩm lỗi nào nên cân nhắc thông tin tới phía công ty.

Nếu 2 bên không giải quyết được thì nên tìm đến cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng để trợ giúp về mặt pháp lý.

Khách hàng không nên cưỡng đoạt tài sản phía nhà sản xuất, vô tình rước họa vào thân” – anh Hưng chia sẻ.

Trong khi khách hàng muốn nhà sản xuất đưa ra một mức giá hợp lý để chuộc lại sản phẩm lỗi thì phía Coca-Cola vẫn kiên định với chính sách đổi trả của công ty.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ý Như - Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại của Coca-Cola Việt Nam lưu ý:

Theo quy định, trong trường hợp sản phẩm có lỗi ngoại quan (hư hỏng, móp méo…), chính sách của Coca-Cola là đổi lại sản phẩm mới cho khách hàng.

Nhưng trường hợp của anh Hưng, do chưa có kết quả kiểm tra sản phẩm (vì chưa lấy được lon Coca-Cola lỗi về kiểm định – pv) nên chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Từ đó, hãng chưa đưa ra được hướng giải quyết phù hợp nhất.

Nếu tình trạng “đôi co” giữa hai bên vẫn tiếp tục, anh Hưng cho biết: Anh sẽ gửi hồ sơ lên cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

“Điều quan trọng tôi cần là câu trả lời lỗi do đâu cho thỏa đáng và lời xin lỗi chính thức từ phía nhà sản xuất. Coca-Cola cần phải xin lỗi khách hàng” – anh Hưng nhấn mạnh.


P.TỔNG THƯ KÝ HỘI TIÊU CHUẨN & BẢO VỆ NTD - VƯƠNG NGỌC TUẤN
Tôi luôn nói: Không có gì là tuyệt đối, chuyện có lỗi trong quá trình sản xuất sản phẩm là bình thường. Trong trường hợp trên, muốn khách quan, khách hàng nên tìm đến Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng. Hội sẽ là cơ quan trung gian tìm xem lỗi đích xác là từ đâu, do sản xuất hay khâu lưu thông. Nếu lỗi từ sản xuất, chắc chắn doanh nghiệp phải có văn bản giải trình và xin lỗi. Thậm chí, ngay cả khi đó là lỗi do khâu lưu thông, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm một phần.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn