Vinaxuki bán nhà máy trả nợ: Ôtô Việt mơ thì cứ mơ...

Thứ ba, 28/07/2015, 14:19
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, Vinaxuki đã đi ngược một nửa khi muốn sản xuất khung ôtô trong khi công nghiệp hỗ trợ yếu kém.

Đi ngược

Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa có thông báo khẩn cấp về việc bán nhà máy sản xuất ôtô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ.

Hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị,...

Trước đó, Vinaxuki cũng đã phải bán dần sắt vụn để lấy tiền trả lương cho công nhân.

Vinaxuki đã phải bán nhà máy để trả nợ

Trao đổi với Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới thẳng thắn gọi đây là "cái chết được báo trước". Theo quan điểm riêng của ông, nguyên nhân dẫn tới tình cảnh hiện nay của Vinaxuki là:

Thứ nhất, Vinaxuki đã không tuân theo đúng phương thức phát triển của ngành ôtô là phải từ dưới đi lên, tức là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ trước, làm được các phụ kiện như điều hoà, đèn, phanh..., sau đó mới  tính đến làm ôtô.

"Cách đây hai tháng, tôi từng đến thăm Vinaxuki và trao đổi với ông Bùi Ngọc Huyên, lãnh đạo công ty rằng, họ phải sản xuất được phụ kiện ôtô như la zăng hay điều hoà ôtô... chẳng hạn. Họ phải làm rất giỏi các phụ kiện đó, khi nào công nghiệp phụ trợ hùng mạnh thì bấy giờ phần còn lại họ muốn làm ôtô theo cấp độ nào có thể thuê nhà thiết kế làm. Thế nhưng ông Huyên có chia sẻ, lãnh đạo bộ muốn Vinaxuki sản xuất được máy ôtô, còn chính ông lại muốn bắt đầu từ khung ôtô.

Tuy nhiên, dẫu có thế thì Vinaxuki cũng đã làm ngược một nửa. Lẽ ra phải sản xuất từ cái nền là công nghiệp hỗ trợ rồi mới lên tới khung gầm, sau đó tiến tới máy ôtô. Vì làm từ giữa lộn xuống nên tất cả các phụ kiện Vinaxuki phải nhập từ nước ngoài về để lắp ráp, do đó làm sao có thể thành công được?", ông Sơn chia sẻ.

Thứ hai, Vinaxuki đầu tư sản xuất ôtô theo phương thức trên không dựa trên vốn gia đình hay vốn cổ đông là chính mà nguồn vốn đi vay quá lớn. Đây cũng là chuyện ngược. Khi đã sản xuất ra những sản phẩm này phải dựa trên vốn của nhà đầu tư là chính, phần đi vay chỉ chiếm phần nhỏ, đằng này Vinaxukia lại đi vay rất nhiều, đúng vào thời điểm lãi suất cao nên làm sao chịu thấu.

Thứ ba, theo lời ông Bùi Ngọc Huyên, theo chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp được cho vay vốn với lãi suất thấp để phát triển ngành ôtô mà Vinaxuki không thể vay nổi được. Không thể trách ngân hàng bởi người cho vay phải nhìn thấy cửa nào trả được mới cho vay. Còn Chính phủ nếu muốn khuyến khích công nghiệp ôtô trong nước thì phải tung vốn ra cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, việc này rất khó.

Thứ tư, Vinaxuki ở thế rất khó một phần do chính sách tỷ giá của Việt Nam. Chính sách tỷ giá của Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu hơn là sản xuất trong nước, chi phí giá thành của doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn cao hơn nên dù có nội địa hoá bao nhiêu, sản xuất kiểu gì cũng lỗ, không thể địch lại nổi với hàng nhập khẩu.

"Có rất nhiều bất lợi đối với Vinaxuki. Khoe sản phẩm nội địa hoá bao nhiêu, dẫu 50% hay đến 100% thì ai quan tâm, giải quyết được gì? Họ làm ra sản phẩm mới của chính mình trong hoàn cảnh như thế, lại bị yếu thế về mặt tài chính. Trong khi đó, trên thương trường chỉ nói đến chi phí và lợi nhuận. Người ta không cần biết sản phẩm nội địa hoá bao nhiêu phần trăm, doanh nghiệp có bao nhiêu năm tồn tại và phát triển, hễ làm hỏng thì phải ra đi. Trong cuộc gặp cách đây 2 tháng, tôi đã nói thẳng với ông Huyên nên bán nhà máy sớm, lòng đam mê của ông ấy phải để lại cho thế hệ sau", ông Bùi Ngọc Sơn cho biết.

Mơ cứ mơ, liệu có làm được?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khó có thể lớn lên được vì không có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách tỷ giá lại luôn làm thiệt hại nhà sản xuất trong nước vì chi phí sản xuất cao, chỉ khuyến khích nhập khẩu.

Bởi thế, ông cho rằng, muốn phát triển công nghiệp ôtô, Việt Nam cần đảo ngược những gì đã làm Vinaxuki "chết". Đó là xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, để làm được điều này thì chính sách tỷ giá phải thay đổi để có lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sản xuất phải đi từ dưới đi lên bởi Việt Nam không phải là người nắm được công nghệ của ngành ôtô mà có thể đi từ trên xuống.

"Trước đây, trong thời kỳ đầu không có thị trường liên đới với nhau, đúng muốn làm được ôtô người ta phải làm ra được động cơ trước. Nhưng thời điểm bây giờ, muốn làm được ôtô thì phải đi từ dưới đi lên.

Trường hợp của Trung Quốc là một ví dụ. Khi Trung Quốc mở cửa, tôi đến thăm những nhà máy chuyên sản xuất điều hoà trong ôtô và trình độ của họ đã đạt đến mức kể cả các  thương hiệu nổi tiếng như BMW hay Mercedes cũng muốn đặt hàng. Khi đã có trong tay tất cả những thứ đó, chỉ cần thuê thiết kế về sẽ làm được ôtô.

Sản xuất ôtô bây giờ không cần phải tự sản xuất động cơ mà có thể đặt hàng bên ngoài. Do đó, ai mơ giấc mơ ôtô "made in Vietnam" thì cứ mơ nhưng có làm được hay không thì phải tính toán cho kỹ", ông Sơn bày tỏ.

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn