Sản lượng ngành ô tô Đức cao gấp đôi Mỹ, trong khi lương công nhân cao gấp đôi. Vì sao?
Các công nhân ngành ô tô Mỹ luôn được rao giảng rằng trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa và cực kỳ cạnh tranh, họ phải biết thích nghi và chấp nhận lương thấp hơn để giữ việc làm. Ông Steven Rattner, chủ tịch ban cố vấn của Nhà Trắng về ngành công nghiệp ô tô, hồi tháng trước cho rằng lẽ ra chính phủ Mỹ nên ép Nghiệp đoàn ngành ô tô Mỹ (UAW) chấp nhận việc giảm lương công nhân trong thời kỳ tái cơ cấu của GM và Chrysler năm 2009, nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nghe có vẻ hợp lý: cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng ngành công nghiệp ô tô Đức đang chứng minh rằng lý thuyết đó không đúng.
Các con số tự nói lên tất cả. Năm 2010, Đức sản xuất hơn 5,5 triệu chiếc ô tô, còn Mỹ sản xuất 2,7 triệu chiếc. Cùng năm, lương trung bình của công nhân ô tô ở Đức là 67,14 USD/giờ, trong khi ở Mỹ chỉ bằng một nửa - 33,77 USD/giờ. Ngành ô tô Đức không chỉ hoạt động với năng suất cao, mà còn rất hiệu quả. Ba tập đoàn ô tô lớn nhất của Đức là BMW, Daimler (với thương hiệu Mercedes-Benz), và Volkswagen rất có lãi.
Làm thế nào? Tạp chí Remapping Debate đã có bài phân tích về vấn đề này.
Công nhân lắp ráp xe BMW tại nhà máy của hãng ở Leipzig, Đức. (Ảnh: Getty Images)
Theo tác giả Kevin C. Brown, có hai định chế ở Đức đảm bảo vấn đề tiền lương cao và điều kiện làm việc tốt cho công nhân ngành ô tô.
Thứ nhất là IG Metall, tổ chức đại diện cho người lao động trong ngành ô tô của Đức, tương tự UAW của Mỹ. Hầu hết công nhân ngành ô tô Đức đều là thành viên của IG Metall. Dù họ có quyền đình công, nhưng ít khi dùng đến, vì có một hệ thống giải quyết xung đột phức tạp thường được dùng để đi đến một thỏa hiệp nào đó có thể chấp nhận được cho tất cả các bên, theo lời ông Horst Mund, một lãnh đạo của IG Metall.
Thứ hai chính là hiến pháp Đức - cho phép tổ chức “hội đồng công tác” ở tất cả các nhà máy, nơi ban lãnh đạo và công nhân ngồi lại với nhau để thảo luận về những vấn đề như điều kiện làm việc (cả vật chất và tinh thần). Ông Mund cho biết việc này đảm bảo cho sự hợp tác, lắng nghe giữa hai bên.
Theo ông Mund, cơ chế này có hiệu quả. “Chúng tôi có những tổ chức công đoàn mạnh, chúng tôi có các hệ thống an ninh xã hội tốt, chúng tôi có lương cao. Nếu theo lý thuyết của chủ nghĩa tự do mới thì chúng tôi ắt hẳn đã phá sản, nhưng rõ ràng thực tế không như vậy. Dù lương cao, dù chúng tôi có thể tác động đến ban lãnh đạo, nhưng nhà máy vẫn hoạt động tốt,” ông Mund nói.
Việc này hoàn toàn đối lập với tình hình ở Mỹ. Ông Michel Maibach, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - châu Âu (EABC), cho biết mối quan hệ giữa công đoàn với ban lãnh đạo tại các công ty ở Mỹ mang tính “đối đầu”, còn ở Đức là “hợp tác”.
Tuy nhiên, văn hoá Đức này không còn tồn tại khi vượt Đại Tây Dương. Các nhà máy ô tô của doanh nghiệp Đức ở Mỹ cũng áp dụng chiến lược chèn ép công đoàn và trả lương thấp cho công nhân như các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Bài viết trên tạp chí Remapping Debate cho biết: “BMW là một công ty Đức và có bộ máy tổ chức đặc chất Đức khi ở Đức. Nhưng khi ở Mỹ, họ đã rất nhanh chóng thích nghi với văn hoá doanh nghiệp của Mỹ.”
Người phát ngôn của BMW từ chối tiết lộ mức lương trung bình của công nhân tại nhà máy Nam Carolina, nhưng theo thông tin đăng trên Washington Post năm 2010, trung bình chỉ 15 USD/giờ.
Tình hình cũng tương tự tại nhà máy Chattanooga của Volkswagen ở Mỹ. Một người phát ngôn của công ty cho biết các công nhân được trả 14,5 USD/giờ và sẽ tăng lên 19,5 USD sau ba năm.
Do đó, đây không thực sự là vấn đề văn hoá doanh nghiệp, mà là văn hoá đất nước.