Sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, nhà đầu tư Samsung (SEV) đã cam kết tỉ lệ nội địa hóa khoảng 35%. Đây là khối lượng công việc khổng lồ dành cho các nhà cung ứng Việt Nam. Tuy nhiên, liệu ai sẽ là người đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng cho Samsung?
Thử thách nhà cung ứng
“Không thể tin nổi doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung” là điều mà ông Nguyễn Ngọc Đạo, Giám đốc Công ty Quang Lượng Tử Việt Mỹ, nhận xét khi nhắc đến vấn đề nhà cung ứng cho Samsung. Doanh nghiệp của ông Ðạo là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam dấn thân vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo vị doanh nhân này, ở một lĩnh vực mà công nghệ thay đổi chóng mặt, việc tiếp cận công nghệ mới đã là rất khó khăn, chứ chưa nói đến sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ hỗ trợ cho công nghiệp điện tử. “Ngân sách chi cho nghiên cứu sáng tạo ngành điện tử, công nghệ thông tin lên đến vài chục tỉ USD mỗi năm ở một số quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt vốn ít, hỗ trợ từ Chính phủ hầu như không có thì tham gia sân chơi này là không có cửa”, ông nói.
Còn theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Samsung đang đầu tư hàng tỉ USD tại Việt Nam, thu hút khoảng 80 doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện từ 9 quốc gia. “Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất còn hạn chế”, Thứ trưởng nhận xét.
Ðây rõ ràng là thực tế đáng báo động. Một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam chuyên sản xuất sạc và dây cáp cho biết mỗi tháng, họ phải giao hàng chục triệu sản phẩm cho Samsung. Nhưng, hiện doanh nghiệp này vẫn phải nhập tem và túi bóng từ Trung Quốc. Ðại diện Công ty cũng không lý giải được vì sao sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam, họ vẫn chưa thể tìm thấy đối tác địa phương phù hợp.
Tương tự, nếu doanh nghiệp Việt Nam từng bị “chê” là chưa làm nổi chiếc ốc vít, thì đại diện Công ty RFTech Vina (một nhà cung ứng cấp 1 của Samsung) còn thẳng thắn đầy chua xót: ”Doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi túi bóng bọc cáp cho chúng tôi, nên chúng tôi phải nhập từ các công ty nước ngoài”.
Theo RFTech Vina chia sẻ, để làm nên một sản phẩm, cần có rất nhiều đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, lại không có một doanh nghiệp Việt Nam nào có mặt trong chuỗi cung ứng linh kiện cho RFTech Vina, mà chỉ toàn các doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc với nhau. Ngay cả các công ty ở Trung Quốc đang cung ứng linh kiện cho RFTech Vina cũng là doanh nghiệp do Hàn Quốc đầu tư.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại diện RFTech Vina cho rằng do quy mô của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam còn nhỏ nên chưa thể đảm bảo về số lượng cung ứng. Ngoài ra còn là những băn khoăn về chất lượng và giá cả mà nhà cung ứng chào hàng.
Ở góc độ một doanh nghiệp trong nước đang cung ứng cho Samsung, Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty Vietnam HTMP (nhà cung ứng cấp 1 của Samsung), cho biết Công ty bắt tay với SEV từ cuối năm 2012, trở thành nhà cung ứng khuôn mẫu và sản phẩm vỏ nhựa. Dù là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, nhưng Vietnam HTMP cũng chỉ dừng lại ở sản phẩm là khuôn mẫu, vỏ nhựa dùng cho máy hút bụi.
“Các doanh nghiệp Việt cần phải hiểu giữa nhà cung ứng hàng gia dụng và nhà cung ứng hàng điện thoại cho Samsung, đẳng cấp rất khác nhau. Chúng ta có thể trở thành nhà cung ứng cho Panasonic, Yamaha, Canon hay Samsung, nhưng để trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho sản phẩm di động của Samsung là điều không tưởng”, ông Hào khẳng định.
Vượt lên chính mình
Dù biết sẽ khó, nhưng một số doanh nghiệp trong nước đã biết thay đổi và trở thành nhà cung ứng cho Samsung.
Là 1 trong 4 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào triển lãm nhà cung cấp thiết bị cho tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, Công ty TDBH đã thu hút nhiều sự chú ý của người đến tham dự. Dù mới được thành lập vào tháng 4/2014, nhưng đầu năm nay, TDBH đã trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung. Công ty này chuyên gia công khuôn mẫu chính xác và cung cấp một số thiết bị cho sản phẩm của Samsung.
“Điều kiện Samsung đưa ra thực không quá khó với doanh nghiệp Việt Nam. Tới đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng đáp ứng được,” ông Yên Đức Tiến, Giám đốc Công ty TDBH, tự tin nói.
Phát biểu của ông Tiến đã phản ánh một sự thay đổi trong “ý chí mong muốn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung”, như lời ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Complex, nói.
Thông tin từ ông Jang Ho Young, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Điện tử Việt Nam, hiện đã có 41 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung. Trong số này, 4 nhà cung ứng đã ký hợp đồng trực tiếp, 28 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng đã đăng ký và đang được Samsung xem xét để hợp tác. Cần nhớ chỉ một năm trước, số doanh nghiệp nằm trong danh sách này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế, trước đây phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú trọng cạnh tranh bằng giá và chất lượng sản phẩm. Nhưng điều kiện Samsung đưa ra không chỉ có vậy. Ngoài giá và chất lượng, còn có một loạt điều kiện đi kèm như thời hạn giao hàng, cam kết bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật và các quy định về an toàn lao động.
Những điều kiện đó, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, ít được các doanh nghiệp trong nước chú ý đến lâu nay. Nhưng rõ ràng, nếu nhìn vào số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp của Samsung trong năm 2015, có thể thấy các doanh nghiệp trong nước đã có sự điều chỉnh để đáp ứng được các yêu cầu.
“Samsung là nhà sản xuất toàn cầu, nên muốn làm nhà cung cấp, ta phải xác định khả năng, năng lực cung cấp cả về chất lượng, thời gian giao hàng, môi trường, tiến độ giao hàng, số lượng giao hàng. Ngoài ra là giá cả cạnh tranh”, Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long, chia sẻ kinh nghiệm khi làm nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung của mình.
Hiện tại, Công ty Thăng Long và Công ty Việt Hưng đang là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Hai doanh nghiệp này ngay từ năm 2009 đã được chọn làm nhà cung cấp các sản phẩm bao bì cho nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Với sự mở rộng đầu tư của Samsung, cả Thăng Long và Việt Hưng đã không ngừng mở rộng công suất. Việt Hưng còn đang có kế hoạch đầu tư nhà máy tại TP.HCM nhằm cung cấp cho tổ hợp mới của Samsung tại đây.
Hãy trở lại với Công ty TDBH. Ông Tiến, Giám đốc Công ty, cho biết mục tiêu sang năm 2016 sẽ trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, tức là bán hàng trực tiếp cho Samsung thay vì phải qua một công ty khác.
Năm ngoái, doanh thu của TDBH chỉ hơn 60.000 USD và dự kiến, năm nay sẽ nâng lên 400.000 USD. Sang năm 2016, mục tiêu doanh thu mà TDBH đặt ra là 700.000 USD. So với nhiều doanh nghiệp khác, mục tiêu trên là khiêm tốn. Nhưng với một doanh nghiệp có quy mô 16 nhân viên thì không phải là tồi.
Một ví dụ khác là Công ty Thành Long Electronic. Được thành lập vào cuối năm 2006, từ tháng 10/2010, doanh nghiệp này đã trở thành nhà cung cấp linh kiện điện tử để sản xuất các loại dây sạc pin cho nhà cung ứng cấp 1 của Samsung là RFTech Vina.
Công việc kinh doanh khá thuận lợi nên từ tháng 6/2012, Thành Long Electric đã đầu tư thêm 4,5 triệu USD để tăng năng lực sản xuất. Cuối năm ngoái, Công ty tiếp tục thành lập thêm một xưởng sản xuất dây sạc tại Bắc Ninh với vốn đầu tư 200.000 USD. Chỉ riêng trong năm 2014, Thành Long Electric đạt doanh thu 12 triệu USD. Mục tiêu trong năm 2015 sẽ là doanh thu 20 triệu USD.
Cơ hội chắc chắn là nhiều, nhưng có một hạn chế mà các doanh nghiệp trong nước sẽ phải vượt qua nếu muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung hay bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào khác. “Khả năng công nghệ thì có thể đáp ứng được, nhưng cần vốn. Thế nên trước mắt, nếu muốn đầu tư mở rộng thì không đủ khả năng,” ông Tiến, TDBH, nói khi đề cập đến việc mở rộng kinh doanh của mình.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Đức, Tổng Giám đốc Thành Long Electronic, cũng thừa nhận rằng với doanh nghiệp tư nhân, khó khăn nhất vẫn luôn là vốn. “Bởi vì muốn trở thành nhà cung ứng cấp 1, ngoài máy móc, phải có tiềm lực kinh tế tốt”, ông Đức chia sẻ.
Theo NCĐT