Vì sao FDI có “quyền mặc cả”?
Trong báo cáo của mình, Viện nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã đặt vấn đề DN FDI đang xin quá nhiều. Báo cáo đã chỉ thẳng ví dụ về Samsung và cho rằng cần đặt ra vấn đề hạn chế "quyền mặc cả" của FDI để tránh tạo những tiền lệ xấu.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại phải làm như vậy? Có phải vấn đề ưu đãi cho FDI suốt 20 năm qua bây giờ mới bộc lộ những mâu thuẫn? Và chính sách ưu đãi này đang ảnh hưởng thế nào tới khu vực sản xuất trong nước?
Ảnh minh họa |
Không phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên ông Bùi Trinh cho rằng chính sách ưu đãi hiện nay đang tạo ra một sân chơi bất bình đẳng giữa khu vực DN FDI với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong khi khu vực DN FDI đang nhận được rất nhiều ưu đãi và hoạt động rất tốt thì khu vực doanh nghiệp nội vẫn yếu kém và yếu thế. Đáng nói, có nhiều địa phương vì chỉ tiêu tăng trưởng, vì thành tích thi đua đã không ngại thỏa hiệp ưu đãi nhằm thu hút FDI bằng được, thỏa hiệp cũng để giữ chân bằng được DN FDI.
Không đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách ưu đãi nhưng rõ ràng đây cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội khó càng thêm khó. DN nội nếu muốn tìm được chỗ đứng trên thị trường cũng phải chịu rất nhiều sức ép hoặc phải chấp nhận lép vế trước doanh nghiệp FDI.
Do nội lực các doanh nghiệp nội quá yếu, cách làm còn thụ động việc dựa vào FDI để phát triển là tất yếu. Nhưng nếu để phụ thuộc quá nhiều sẽ còn nguy hiểm hơn, nhất là khi có biến động, hoặc vì lý do nào đó FDI rút vốn thì không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
Theo ông Trinh, một điều chắc chắn các cơ quan lý đều biết là khi thu hút FDI và ngay cả khi những doanh nghiệp FDI hoạt động tốt thì cơ bản Việt Nam cũng gần như không được hưởng hoặc là hưởng rất ít trong chuỗi sản phẩm của họ. FDI chỉ coi Việt Nam là công xưởng gia công. Nhập nguyên liệu từ nước ngoài và về lắp ráp. Cơ bản tính lan tỏa trong sản xuất là không có.
“Nhưng hình như người dân và cả các cơ quan quản lý bằng lòng với điều này, các doanh nghiệp nội làm gia công thì gia công cho FDI cũng thế thôi. Các nhà quản lý nghĩ thế chăng?”, ông đặt câu hỏi.
Đáng buồn, dù FDI luôn ở vị thế lấn lướt và được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách thu hút vốn của Việt Nam nhưng như vậy còn chưa đủ với những doanh nghiệp này. Không riêng gì địa phương, các cơ quan quản lý trung ương cũng phải nhân nhượng hết lần này đến lần khác chạy theo những đòi hỏi vô lý từ chính sách miễn giảm thuế cho đến những cơ chế mang tính đặc thù riêng của những doanh nghiệp loại này. Ngay cả khi việc đóng góp thuế của Samsung đã được chỉ ra còn không bằng tổng giá trị miễn giảm của chính sách thuế họ đang hưởng.
Cả những đóng góp vào tăng trưởng GDP của khu vực FDI cũng được chỉ ra là không có nhiều ý nghĩa. Ông Trinh nói rằng, phải nhìn sâu hơn vào chỉ tiêu này xem tăng trưởng này là vì cái gì? Nó có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau không? Hay càng tăng trưởng lại càng nợ nần, càng bội chi ngân sách, môi trường bị hủy hoại?
Theo Báo Đất Việt