Đánh đố doanh nghiệp chuẩn hóa giống mắc-ca?

Thứ tư, 29/07/2015, 16:22
Hậu quả hỗn loạn giống mắc-ca đã thể hiện, còn doanh nghiệp vẫn chưa thể vào cuộc chuẩn hóa...  
Tại Úc đã có những khu vườn mắc-ca "cổ thụ", còn tại Việt Nam đã hai mươi năm thử nghiệm mà doanh nghiệp chưa biết làm thế nào để tạo vườn cây đầu dòng khi cửa nhập khẩu chính ngạch đóng chặt.

Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh có hồ sơ gửi Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xin nhập 30 tấn hạt mắc-ca về làm giống. Đến nay, hồ sơ này, cũng như của một số doanh nghiệp khác, vẫn bất động trước cửa cơ chế.

Dự án phát triển mắc-ca của công ty My Anh đặt tại Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị), có tổng vốn đầu tư 111 tỷ đồng, với diện tích 2.000ha (hiện 650ha đã sẵn sàng đón giống vào thực địa). Công ty cũng đang xây dựng nhà máy chế biến, để đảm bảo tiến độ dự án.

Đầu vào sống còn

Khi trao đổi với VnEconomy về dự án này, đại diện My Anh nói rằng, họ mong các cơ quan quản lý, đặc biệt là từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hãy một lần đến Khe Sanh để tận thấy thực tế khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây.

“Hiện có những hoài nghi về dự án phát triển mắc-ca của chúng tôi, vì họ nghĩ Quảng Trị chỉ là gió Lào và cát sỏi, khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp. Nhưng với tiểu vùng khí hậu mát mẻ, Khe Sanh là một trong số ít vùng của Việt Nam trồng được cà phê Arabica”, ông Huỳnh Văn Trí, Giám đốc công ty nói.

Thực tế, những ngày vừa qua, nhiều đoàn khách đến địa danh lịch sử Khe Sanh để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, và hẳn họ ấn tượng khi chỉ cách sự oi bức tại thành phố Đông Hà khoảng 70km là một khu vực mát mẻ, với nhiệt độ chỉ khoảng 25 - 27 độ ngay giữa trưa hè.

Với khí hậu đó, cùng những triền đất đỏ bazan, ngoài My Anh, hiện đã có thêm nhà đầu tư bỏ vốn mua 1.000ha để cùng phát triển mắc-ca tại đây.

Thế nhưng, phía trước còn nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ chế.

Theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, công ty My Anh gửi hồ sơ và đơn xin nhập khẩu hạt mắc-ca để làm giống qua thư điện tử. Cục Trồng trọt yêu cầu các thủ tục, rồi trả lời hiện hạt giống mắc-ca chưa có trong danh mục cho phép nhập khẩu.

Sốt ruột với tiến độ triển khai dự án, đại diện công ty liên hệ trực tiếp với cán bộ chuyên trách của Cục để tìm hiểu rõ hơn, nhưng các cuộc gọi sau đó không được bắt máy.

Đến nay, cũng như những bộ hồ sơ đang xếp hàng xin cấp phép nhập khẩu của các công ty Vinamaca, Him Lam…, khâu đầu tiên của dự án là chủ động chuẩn hóa nguồn giống của công ty My Anh đang bị ách lại, và chưa rõ đến bao giờ mới được xét.

Ông Huỳnh Văn Trí băn khoăn: “Tôi thấy lạ là hạt ngô, hạt bí ta làm được mà vẫn cho nhập khẩu, còn hạt mắc-ca ta chưa có nên cần nhập về để chuẩn hóa, thì vài chục năm rồi cửa cơ chế vẫn đóng”.

Thực tế, tại Việt Nam, hiện đã có một số viện, trung tâm chuyên ngành sản xuất được giống mắc-ca. Vì sao các doanh nghiệp không mua mà lại xin nhập?

Ông Trí cho biết, là công ty 100% vốn nước ngoài, của Úc, nên My Anh muốn đảm bảo yếu tố xuất xứ ngay từ nguồn giống để thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu về sau, nhất là với chính thị trường Úc.

Mặt khác, các quy trình làm giống của công ty thực hiện theo tiêu chuẩn và giám sát của các chuyên gia Úc, vì giống là đầu vào sống còn của dự án. Hiện công ty My Anh đang thuê các chuyên gia này với chi phí 300 USD/người/ngày để đảm bảo bước chuẩn hóa nguồn giống.

Như mô hình mà PV từng phản ánh, ông Trí khẳng định, quá trình làm giống nhằm tập trung hoàn toàn cho dự án, tuyệt đối không bán ra bên ngoài, nên loại trừ yếu tố kinh doanh hoặc kiếm lợi ở đây.

“Chỉ khi nào dự án tại Khe Sanh cho kết quả chúng tôi mới mời bà con cùng tham gia. Khi đó, thực tế đã rõ, nhà máy chế biến đã sẵn sàng, đầu ra chúng tôi thiết lập, bà con tin và làm một cách chắc chắn hơn”, ông Trí nói.

Còn với các doanh nghiệp khác thì sao, sao phải nhập khẩu giống? Đại diện công ty Him Lam lý giải, qua khảo sát thực tế, họ muốn tiếp cận những loại giống mới, có triển vọng năng suất và chất lượng cao hơn, hoặc có đặc điểm cần thiết để chủ động chuẩn hóa nguồn giống, đảm bảo kỹ thuật cho dự án của mình.

Ông Trí cũng băn khoăn, theo công bố mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận được 10 loại giống mắc-ca. Thế nhưng, ngay trong 3 loại được xét là “giống quốc gia”, loại OC hiện đã có những khuyến cáo loại trừ (do hạn chế về tỷ lệ nhân, khó thu hoạch - đặc biệt là khó đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nếu thu hoạch cưỡng bức).

Ngược lại, có những loại giống cần thiết doanh nghiệp muốn nhập về lại không có trong 10 loại Bộ đã nêu. Như trong kế hoạch của Công ty My Anh, giống H2 được lựa chọn để lấy lợi thế bộ rễ khỏe, phù hợp với địa hình đồi dốc của Việt Nam, ghép với loại năng suất và chất lượng khác, thì không có trong danh mục đó.

Gà có trước hay trứng có trước?

Tới đây, dự kiến hướng dẫn cơ chế và danh mục các loại giống cho phép nhập khẩu sẽ được ban hành, những vướng mắc trên sẽ có tham chiếu cụ thể.

Nhưng lúc này, các bộ hồ sơ đang xếp hàng ở cửa cơ chế lại có một vướng mắc khác, lớn hơn và dường như mâu thuẫn.

Theo yêu cầu lập hồ sơ xin phép nhập khẩu, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận có vườn cây đầu dòng. Ông Huỳnh Văn Trí cho rằng, đây là yêu cầu kiểu đánh đố doanh nghiệp.

Bởi lẽ, hiện ông không biết tại Việt Nam đã có vườn cây đầu dòng nào đã được cấp phép hay chưa. Để được cấp phép thì phải có vườn cây đầu dòng, để có vườn cây đầu dòng thì phải nhập nguồn gây dựng, để nhập nguồn thì lại phải có vườn đầu dòng…

“Cái này không rõ là phải có gà trước hay trứng trước nữa”, ông Trí băn khoăn.

Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào mắc-ca đang dậm chân trước cửa cơ chế với những vướng mắc như vậy. Họ muốn chủ động chuẩn hóa nguồn giống, nhưng cơ chế chưa mở cũng như khả năng bị đánh đố như vậy.

Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn giống mắc-ca và rủi ro trôi nổi đang thể hiện. Bên cạnh nhiều điển hình thành công thì đã có những hộ dân bắt đầu thất bại vì tự bơi nhiều năm về trước. Thất bại sẽ chưa dừng lại, nếu doanh nghiệp vẫn chưa được mở lối để đồng hành.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn