Vượt qua những khó khăn và khẳng định sau hoài nghi, Trung Quốc mở rộng diện tích mắc-ca một cách đột biến chỉ sau vài năm qua; sản phẩm chuyên nghiệp đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường nội địa. Nhưng khi tìm hiểu thêm, Trung Quốc cũng chẳng may mắn để được như hôm nay.
Người chặt trước mặt kẻ trồng
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa tổ chức đoàn khảo sát phát triển mắc-ca tại Quảng Tây (Trung Quốc). Chuyến thực tế này cho thấy những điểm vừa quen, vừa bất ngờ đối với Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nam Á, GS. Lục Siêu Trung, chuyên gia đầu ngành về mắc-ca tại Trung Quốc, nói lại khi nghe chia sẻ ở trên của ông Hưởng: “Chúng tôi cũng mất rất nhiều năm chứng kiến cảnh người chặt trước mặt kẻ trồng. Đã có rất nhiều thất bại, và cũng phải vượt qua nhiều hoài nghi”.
Cây mắc-ca bắt đầu trồng tại Trung Quốc từ năm 1910. Đến năm 1979, nó mới được tập trung nghiên cứu. Từ năm 1988, các chương trình phát triển mới bắt đầu định hình và phải mất cả chục năm sau nữa mới có dấu hiệu mạnh lên, gắn với các hoạt động thương mại.
Theo GS. Lục Siêu Trung, cũng như những gì đang diễn ra tại Việt Nam, cây mắc-ca tại Trung Quốc phải trải qua nhiều năm hoài nghi về giá trị, hiệu quả kinh tế; từng đau đớn với nhiều thất bại trong thử nghiệm và phải chứng kiến cảnh người chặt trước mặt kẻ trồng kéo dài cho đến nay.
Tại những khu vườn thử nghiệm huyện Long Châu, hay Phù Thụy (Quảng Tây), những người gắn bó với mắc-ca vẫn đang phải đành lòng chặt bỏ những cây đã tới 30 năm tuổi, theo yêu cầu chọn lọc năng suất và chất lượng hạt.
Hay phải qua hàng chục năm so sánh và đánh giá, họ phải thừa nhận một thực tế, loại giống rất thành công về năng suất một thời là OC (rất thịnh trong trồng tự phát tại Việt Nam hiện nay) đang dần bị loại trừ theo quá trình chế biến và tiêu dùng (do vỏ dày và nhân nhỏ)…
“Cái chính là đất tốt người ta không dành cho mắc-ca”, vị chuyên gia đã hơn ba mươi năm gắn bó với cây mắc-ca tại Trung Quốc nói, như chạnh lòng về vị trí lận đận của loại cây này nhiều năm trước. Điều đó cũng góp phần lý giải vì sao cho đến nay năng suất và hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Quả thực, rong ruổi hàng chục khu vườn bạt ngàn mắc-ca tại Quảng Tây, đánh giá chung mà các chuyên gia đoàn khảo sát đưa ra là hạn chế về thổ nhưỡng.
Thế nhưng, vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên và định kiến dư luận một thời, Quảng Tây và Trung Quốc nói chung đã kịp tạo nền cho một tương lai mắc-ca hứa hẹn phát triển mạnh.
Bất ngờ ngoài phòng lạnh
Nằm cạnh Tây Bắc Việt Nam, Quảng Tây cũng đón những ngày nắng nóng khắc nghiệt vừa qua. Nhễ nhại mồ hôi, hì hục men theo triền đồi mắc-ca đã sai quả, một chuyên gia đoàn khảo sát nói: “Làm sao để những ý kiến hoài nghi bước ra khỏi phòng máy lạnh, đến xem thực tế nó như thế nào”.
Thực tế là một bất ngờ lớn.
Trong khi nhiều ý kiến tranh luận tại Việt Nam cả năm nay vẫn loay hoay với câu hỏi vì sao “thế giới mới chỉ trồng có 80.000ha” mà mình “tham vọng tới 200.000ha”, thì Trung Quốc đã tiến một bước rất nhanh và rất xa.
Theo số liệu Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nam Á giới thiệu, đến nay chỉ riêng Trung Quốc đã phát triển tới 66.600ha mắc-ca.
Đáng chú ý, từ năm 2013 và 2014 là tốc độ đột biến, khi năm 2011 mới chỉ khoảng 21.000ha và 2012 mới chỉ gần 33.000ha.
Vì sao Trung Quốc phát triển rất nhanh, cấp tập trong vài năm trở lại đây như vậy?
GS. Lục Siêu Trung giải thích ở bốn nguyên nhân: sau khi vượt qua những hoài nghi, các vườn mắc-ca đã cho quả và năng suất, người ta mới làm; các nghiên cứu khoa học được ứng dụng, khắc phục cách làm tự phát trước đó; doanh nghiệp vào cuộc tạo kết nối chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - thương mại; và đặc biệt là nhu cầu nội địa tăng nhanh khi người tiêu dùng bắt đầu biết đến, các sản phẩm chiết xuất tinh dầu cao cấp dần được ưa chuộng...
“Thị trường sẽ tự xử lý”
Chỉ riêng tại Quảng Tây vài năm trở lại đây, hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ đã vào cuộc. Những dự án trồng mới quy mô hàng trăm tỷ đồng bắt đầu được quy hoạch bài bản, đặc biệt là về hạ tầng.
Chỉ riêng tại huyện Long Châu, dự kiến sẽ có tới 9 nhà máy chế biến trong vòng một năm tới. Một số chủ đầu tư đã đặt vấn đề ký trước hợp đồng tiêu thụ với Him Lam và LienVietPostBank để chủ động đầu vào nguyên liệu do nhu cầu thị trường nội địa liên tục tăng…
Tổng hợp qua trao đổi với các nhà đầu tư tại đây cho thấy, chi phí đầu tư cho 1 mẫu ở khoảng 1.000 Nhân dân tệ, từ năm thứ 8 trở đi sẽ bắt đầu thu lãi từ 4.000 - 7.000 Nhân dân tệ, tùy cách làm và quản lý. Một số chủ đầu tư đã thu hồi vốn sau 3 - 4 năm, khi kết hợp với sản xuất giống.
Cũng như tại Việt Nam, Trung Quốc cũng đã và đang có tình trạng hỗn loạn giống mắc-ca. Song, theo GS. Trung, vấn đề này là bình thường và thị trường sẽ tự xử lý.
“Chúng tôi phát triển không hẳn theo quy hoạch của nhà nước, cũng không quản lý được sự tự phát làm giống. Thị trường sẽ tự xử lý. Đó là khi có các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp làm ăn bài bản vào cuộc, tự họ sẽ phát triển diện tích, tự chọn lọc giống theo ý thức hiệu quả đầu tư. Giống hoặc cách làm kém chất lượng sẽ bị đào thải”, ông Trung nói.
Thực tế quá trình đào thải đã đến sau hàng chục năm qua, những nguồn giống kém chất lượng phải chặt bỏ, nhiều dự án phải tái cơ cấu với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài…
Quá trình đào thải đó cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, khi một số hộ dân và mô hình làm mắc-ca tự phát đã thất bại và dự báo sẽ còn nhiều thất bại nữa nếu cứ theo tình trạng hỗn loạn giống và thiếu quy hoạch, thiếu chuẩn hóa hiện nay.
Song, theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Việt Nam đi sau, nên có cơ hội để bớt đi sự “đau đớn” mà mắc-ca Trung Quốc từng trải qua. Trong khi đó, điều kiện ưu việt về khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên là lợi thế để phát triển hiệu quả hơn.
Đi sau, kế thừa những kinh nghiệm trên thế giới và gần gũi nhất là Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn chưa phát huy được những lợi thế của mình. Và trong khi nhiều ý kiến đang tranh luận và hoài nghi, cơ quan chức năng còn bàn tính và đứng ở xa để cảnh báo, thì các hộ dân và doanh nghiệp vẫn tự làm, tự tìm cách nắm lấy cơ hội.
Theo VnEconomy