Ngân hàng Trung ương Áo hiện có 280 tấn vàng dự trữ, trị giá khoảng 10 tỷ USD tính theo giá hiện tại. Chỉ 17% trong số này đang được cất giữ ở Áo, 3% gửi ở Thụy Sỹ và đến 80% hiện ở Anh.
Tuy nhiên, Áo muốn đến năm 2020 tự mình sẽ nắm giữ 50% lượng vàng dự trữ, chỉ gửi 20% ở Thụy Sĩ và 30% ở Anh. Điều này có nghĩa là họ sẽ cho chuyển số vàng trị giá 5 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) về nước mình qua ngã châu Âu.
Trong báo cáo thường niên của mình, NHTW Áo không giải thích họ sẽ chuyển vàng bằng phương tiện gì, mà chỉ thông báo rằng: “Bắt đầu từ giữa năm 2015, chính sách cất giữ mới sẽ được thực thi dần, với những tiêu chuẩn cao về an ninh và vận chuyển. Một kế hoạch xem xét tổng quát, và nếu cần sẽ có sự thay đổi chính sách cất giữ phù hợp, đã được lên cho năm 2019”.
Sự việc trên diễn ra sau khi Tòa án Kiểm toán của Áo hồi tháng 2 đã cảnh báo rằng việc cất giữ quá nhiều vàng ở một nơi – ở đây là BoE – khiến quốc gia này đang phải chịu một rủi ro cao.
Adrian Ash, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Bullion Vault, đã cho biết quan điểm của mình việc vận chuyển vàng như sau: “Theo thông báo chính thức của BoE cách đây vài năm, việc vận chuyển lượng vàng 20 tấn trên sẽ cần đến 2 ngày. Chuyển bằng máy bay sẽ tiềm ẩn một rủi ro lớn cho phía bảo hiểm – tương tự như rủi ro tập trung quá nhiều vàng ở một nơi. Các nhà kiểm toán Áo có lẽ đã đúng khi cảnh báo như thế”.
Nỗi sợ mang tên Brexit?
Cũng có giả thuyết cho rằng quyết định mang vàng khỏi Anh của Áo có thể liên quan đến nguy cơ Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit).
Thủ tướng Anh, David Cameron, người vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng này, đã hứa sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý toàn diện vào năm 2017 (về chuyện rời khỏi EU của Anh). Chính sự kiện này cùng với những bất ổn khác đã khiến các thị trường “khiếp sợ”.
Tuy nhiên, theo Reuters, Thống đốc NHTW Áo, Ewald Nowotny, lại khẳng định rằng quyết định rút vàng dự trữ của họ là “tuyệt đối không” liên quan gì đến chuyện đi hay ở của nước Anh.
Đức là quốc gia... “khơi mào”!
Thay vào đó, ông Nowotny cho rằng điều này đánh dấu một xu hướng mới trong các ngân hàng trung ương châu Âu: Mang vàng dự trữ về lại quốc gia mình.
Ông Ash cũng đồng ý như vậy: “Đối với Đức, Hà Lan và giờ đây là Áo, điều này phản ánh áp lực chính trị trong nước lên chuyện “mất chủ quyền” khi sử dụng đồng tiền chung EUR. Nó cũng đánh dấu sự lo lắng nhiều hơn của những người đóng thuế và người tiết kiệm đối với hệ thống tiền tệ. Họ cần có một nền tảng vững chắc hơn các gói nới lỏng định lượng (QE) hay những đợt miễn thuế. Năm ngoái chúng ta đã thấy Thụy Sỹ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về chuyện tăng lượng vàng dự trữ và cất giữ chúng tại quê nhà”.
Vào tháng Giêng năm 2013, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã tiết lộ kế hoạch di chuyển một phần vàng dự trữ của họ khỏi Cục Dự trữ Liên bang ở New York và Ngân hàng Trung ương Pháp, nhằm đạt mục tiêu tự mình nắm giữ 50% lượng vàng dự trữ ở Frankfurt vào năm 2020.
Theo IMF, Đức là quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn thứ 2 thế giới với 3,389 tấn, chỉ sau Mỹ với 8,134 tấn.
Trong khi đó, vào tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Hà Lan cho biết họ sẽ vận chuyển lượng vàng từ Mỹ về nước để cân bằng hơn nữa lượng vàng nắm giữ.
Tuy vậy, đáng chú ý là không giống như Áo, cả Đức và Hà Lan đều không để nguyên lượng vàng dự trữ của mình ở Luân Đôn.
“Luân Đôn là thị trường vàng sỉ trung tâm của thế giới, và nó cho các quốc gia trong khối Eurozone khả năng đổi (vàng) sang các đồng tiền khác cao hơn – điều mà họ rất muốn trong trường hợp có cuộc khủng hoảng nào đó khiến họ có thể sẽ buộc phải bán vàng,” ông Ash cho biết.
Theo VietStock