Chữ nghĩa gây hiểu lầm: ​Đắk Lắk thu hồi bảng hiệu cà phê “chủ tịch Vũ”

Chủ nhật, 31/05/2015, 14:18
Sáng 30/5, ông Nguyễn Hải Ninh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết UBND tỉnh ra quyết định thu hồi một số bảng hiệu của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên do chữ nghĩa gây hiểu lầm.    

Bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk - Ảnh: Trung Tân

Theo ông Ninh, trong dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 5 (tháng 3/2015), lãnh đạo tỉnh phát hiện Trung Nguyên cho treo nhiều bảng quảng cáo, tổ chức tặng sách có ghi “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”.

“Việc ghi như vậy trên bảng quảng cáo, bìa sách là khá mập mờ, khiến người đọc hiểu nhầm nên tỉnh mới yêu cầu tháo gỡ, chỉnh sửa” - ông Ninh nói.

Người hiểu thế này, người hiểu thế kia

Ông Huỳnh Ngọc Bình - phó chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin - truyền thông và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện quyết định này.

Tuy nhiên, sau gần ba tháng, nhiều bảng hiệu vẫn ghi “chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ”. “Anh em có báo lại là chưa liên lạc được với ông Đặng Lê Nguyên Vũ” - ông Bình giải thích.

Trên nhiều tuyến đường ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và ở quán cà phê, những tấm bảng hiệu, tấm che mát giới thiệu về những cuốn sách của Trung Nguyên tặng thanh niên ngoài phần tên, địa chỉ quán thì bảng hiệu còn ghi thêm các sản phẩm của Trung Nguyên và dòng chữ “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”.

Khi được hỏi “dòng chữ dễ gây hiểu lầm” hay không, chủ một quán cà phê ở khu vực công viên Phù Đổng (TP Buôn Ma Thuột) nói “không quan tâm nhiều đến câu chữ”.

“Nhưng cũng có khách hàng vào uống cà phê nói ông Vũ là ai mà xưng chủ tịch này kia; rồi ông ấy là gì mà có quyền chọn sách, định hướng cho thanh niên.

Tuy nhiên, việc trưng bảng cũng chỉ là giới thiệu về quán, lại được miễn phí nên tôi cho đặt, còn nếu sai sót thì họ (Trung Nguyên) sẽ sửa chữa” - chủ quán nói thêm.

Tại làng cà phê Trung Nguyên (cuối đường Lý Thái Tổ, TP Buôn Ma Thuột), Trung Nguyên cho dựng ba tấm bảng lớn hàng chục mét vuông để quảng bá thương hiệu của mình, giới thiệu chương trình tặng sách.

Dòng chữ “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt” được in đậm, phóng to ở một góc bảng để gây chú ý.

Tương tự, trong khu resort Trung Nguyên (gần làng cà phê), nhiều cuốn sách trưng bày trang trọng ở các lối ra vào cũng ghi dòng chữ như trên.

Một khách uống cà phê tại làng cà phê Trung Nguyên khi đọc dòng chữ trên nói ông vẫn hiểu ông Vũ là chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.

Tuy nhiên, cách để chữ “chủ tịch” không kèm theo danh xưng (chức danh) nghe hơi chối tai.

“Lâu nay dân ta nghe đến từ chủ tịch thì thường nghĩ là chủ tịch nước chẳng hạn, còn chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp thì cần ghi rõ ràng hơn” - vị khách này nhận xét.

“Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt” - đó là dòng chữ xuất hiện trên các bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên mà UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi - Ảnh: Trung Tân
“Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt” - đó là dòng chữ xuất hiện trên các bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên mà UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi - Ảnh: Trung Tân

Nên ghi chính danh

Ông Huỳnh Ngọc Bình cho rằng việc một doanh nghiệp tập hợp các câu chuyện về nghị lực sống, ý chí vươn lên... đem giới thiệu cho thế hệ thanh niên là một việc làm rất tốt. Điều đó khơi gợi cho thanh niên có thêm ý chí, sáng tạo, lập thân lập nghiệp.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng trong quá trình giới thiệu, quảng bá (trên bìa sách, bảng quảng cáo), từ ngữ mà Tập đoàn Trung Nguyên dùng có phần chưa rõ ràng nên tỉnh mới khuyến cáo, ra quyết định thu hồi.

“Trong quyết định của UBND tỉnh (do ông Nguyễn Hải Ninh ký, ban hành) yêu cầu Trung Nguyên phải ghi thêm “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu đến thanh niên Việt” hoặc bỏ chữ “chủ tịch” để tránh hiểu lầm.

Các biển quảng cáo đã làm cần phải thu hồi, thay mới theo yêu cầu của tỉnh, các cuốn sách tái bản cũng cần ghi cụ thể, rõ ràng” - ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Trần Trung Hiển, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Đắk Lắk, cho biết những cuốn sách dành tặng cho các bạn trẻ, Trung Nguyên được Cục Xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông) cấp phép.

Vì vậy, khi tỉnh giao sở xem xét lại việc thu hồi sách đã in, sở đã làm công văn hỏi Cục Xuất bản in và phát hành và mới nhận được phúc đáp.

“Theo công văn trả lời của Cục Xuất bản in và phát hành, việc đăng ký, nộp lưu chiểu của những cuốn sách trên không có dòng “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”.

Tuy nhiên khi sách in, phát hành thì ngoài bìa sách lại có dòng chữ này. Do bản nộp lưu chiểu và bản phát hành khác nhau, Cục Xuất bản in và phát hành yêu cầu phải thu hồi. Tuy nhiên việc thu hồi khá khó khăn vì sở chưa liên lạc được với ông Đặng Lê Nguyên Vũ” - ông Hiển thông tin.

Chiều cùng ngày, chúng tôi đã liên lạc với Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Một người phụ trách truyền thông của Trung Nguyên nói “sẽ có ý kiến trả lời trong thời gian sớm nhất”.

Luật không cấm nhưng tránh gây ra sự hiểu lầm

Luật sư Tạ Quang Tòng - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk - phân tích không có quy định nào cấm ghi chữ “chủ tịch” trên các bìa sách, bảng quảng cáo cả.

Tuy nhiên, theo pháp lệnh quảng cáo thì việc quảng cáo, quảng bá thương hiệu phải tránh dùng những chữ viết, lời nói gây ra sự hiểu lầm. Theo đó, dòng chữ mà Trung Nguyên sử dụng đã gây ra sự hiểu lầm cho người đọc.

“Nếu một người nước ngoài đọc thấy dòng chữ này và họ dịch sang tiếng Anh thì còn gây một sự hiểu lầm lớn hơn nữa.

Người ta sẽ không còn hiểu ở ngữ nghĩa ông Vũ là chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên mà sẽ nghĩ ông này là chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh hoặc chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên. Vì chỉ những người này mới có quyền chọn sách cho thanh niên” - luật sư Tòng nói.

Về việc bản phát hành các cuốn sách có sự sai khác so với bản đã nộp lưu chiểu là đã vi phạm Luật xuất bản.

“Theo quy định, bản nộp lưu chiểu là bản mẫu và sách in ra phải giống như bản đã nộp lưu chiểu. Vì vậy việc thu hồi các cuốn sách này là đúng theo quy định” - ông Tòng nhận định.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích