Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam: Vẫn loanh quanh "sân nhà"

Thứ tư, 27/05/2015, 07:32
Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo đóng vai trò quan trọng về kim ngạch, mỗi năm mang về hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo trong nước vẫn còn nhiều bất cập như: Không cạnh tranh được về chất lượng so với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, giá cao nên sức cạnh tranh kém, lợi nhuận thuộc về thương lái…

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Duy Anh


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 1,555 triệu tấn gạo, giảm 11%; giá xuất khẩu trung bình đạt 419 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2014. Chuyên gia kinh tế Phạm Quang Diệu cho rằng, xuất khẩu gạo ở Việt Nam hiện nay đang là cái bẫy của thị trường giá rẻ, trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu, quyền lực thuộc về các thương nhân từ Trung Quốc.
Về kênh xuất khẩu gạo có sự đối nghịch tồn tại hai hình thức: Xếp gạo lên tàu ở cảng Sài Gòn để xuất khẩu theo đường chính ngạch và theo đường tiểu ngạch chuyển gạo qua biên giới. Con đường đi của gạo tiểu ngạch chủ yếu là: Xe tải đi lên cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc; tàu nhỏ đi từ Hải Phòng; gạo từ cảng Mỹ Thới (An Giang) và tỉnh Cần Thơ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên rất khó kiểm soát được sản lượng và giá.
Theo ông Phạm Quang Diệu, thương nhân Trung Quốc được cho là nguyên nhân phát triển ồ ạt diện tích trồng lúa, dẫn đến cung lớn hơn cầu và thường bị thương lái ép giá khi vào chính vụ. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách tạm thu mua dự trữ lúa gạo để đẩy giá gạo lên cao nhằm bảo đảm có lợi cho nông dân, nhưng cũng chỉ là phương án tạm thời trước mắt, không giải quyết được triệt để những tồn tại yếu kém của ngành lúa gạo.

Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo ở Việt Nam, cần tổ chức lại sản xuất, các địa phương phải kiểm soát việc trồng lúa gạo theo quy hoạch của Chính phủ, có những quy định chặt chẽ trong khâu chế biến xuất khẩu nhằm hạn chế những loại gạo cấp thấp, ảnh hưởng chung tới tình hình xuất khẩu.
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kho dự trữ lúa gạo, đầu tư về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là mở rộng các mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap để bảo đảm chất lượng gạo khi xuất khẩu; đẩy mạnh khâu liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán, bảo đảm cho doanh nghiệp có thể thu mua được nguyên liệu kể cả khi giá gạo thế giới tăng cao.
Các bộ, ban, ngành cần tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường nhập khẩu lúa gạo, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo sao cho phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn tới giá giảm; chú trọng tới các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống; đồng thời tích cực mở rộng, phát triển ở các thị trường mới giàu tiềm năng nhằm nâng cao sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp khai thông thị trường Trung Quốc; đầu tư cho doanh nghiệp có đủ tiềm lực để nghiên cứu, khai thác thị trường này và xây dựng các đối tác tin cậy, hạn chế việc thương lái Trung Quốc thu mua lúa gạo tràn lan như hiện nay ảnh hưởng tới giá và làm lũng đoạn thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các cuộc hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo với người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu lúa gạo cho từng vùng để nâng cao giá bán.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới về chiến lược xuất khẩu, nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường; tăng cường ký kết hợp đồng trực tiếp với các đối tác nước ngoài, hạn chế qua khâu trung gian, tăng cao giá trị xuất khẩu gạo ở các thị trường trên thế giới.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại công nghiệp (VCCI) tại Cần Thơ, với ngành lúa gạo, sau 20 năm xuất khẩu với hơn 76 triệu tấn, thu về 22 tỷ USD là kết quả hết sức ấn tượng nhưng các nhà xuất khẩu gạo đến nay vẫn chỉ là người trung gian mua gom lúa gạo của nông dân để xuất khẩu. Hầu như không có nhà xuất khẩu nào trong ngành lúa gạo trở thành nhà kinh doanh quốc tế mặc dù giá trị xuất khẩu có thể lên tới cả tỷ USD/năm. Chưa kể, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với gạo của Thái Lan về chất lượng và giá, không chỉ trong khu vực Châu Á mà ở cả thị trường các nước Châu Phi...

Theo Hà Nội Mới

Các tin cũ hơn