Thế giới vỡ mộng "Giấc mơ Đông Nam Á"

Thứ năm, 28/05/2015, 07:59
Các công ty đa quốc gia đổ xô tới Đông Nam Á với hy vọng bắt kịp làn sóng bùng nổ tiêu dùng tại thị trường nửa tỷ dân này. Tuy nhiên, họ đang chứng kiến một sự đảo ngược của vận may trong ba nền kinh tế lớn nhất khu vực này.  

Nợ hộ gia đình, tăng lương chậm và những bất ổn về chính trị đang làm ảnh hưởng chi tiêu tăng trưởng ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Trong quý I/2015, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, đã giảm xuống thấp nhất trong 5 năm qua, một phần là do sự sụt giảm chi tiêu chính phủ và nhu cầu của người tiêu dùng không tăng.

Tại Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống cùng với nợ hộ gia đình tăng lên.

Trong khi đó, Malaysia đã ghi nhận những dấu hiệu của sản xuất yếu vào thời điểm tiền lương và chi tiêu thẻ tín dụng tăng.

Ở cả Thái Lan và Malaysia, mức nợ hộ gia đình đã tăng lên tới gần 90% GDP, khiến rất nhiều gia đình không còn khả năng vay thêm tiêu dùng được nữa. Tỷ lệ vay nợ hộ gia đình ở Malaysia thuộc loại cao nhất châu Á.

Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) cho thấy nợ tiêu dùng đạt 86,8% GDP năm 2013 và 80,5% GDP năm 2012.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia cho biết niềm tin của người dân vào tình hình kinh tế và phúc lợi cá nhân xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua bởi những ảnh hưởng của thuế dịch vụ và hàng hóa.

Vì thế, người dân sẽ hạn chế tiêu dùng trong những tháng tới, đặc biệt là nhà và xe.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dự kiến hình thành vào cuối năm nay, tạo ra sự đồng nhất và tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, những số liệu từ ba nền kinh tế lớn trong khu vực khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại.

"Suy thoái tiêu thụ trong ASEAN là theo chu kỳ. Nhưng có những tình tiết tăng nặng trong thời điểm này", Anthony Nafte, một nhà kinh tế cấp cao tại Công ty CLSA Hồng Kông nhận định.

Chi tiêu tiêu dùng khiến gia tăng nợ hộ gia đình ở Thái Lan và Malaysia. Thu nhập ở khu vực nông thôn cũng giảm mạnh do giá nông sản như cao su và gạo giảm.

Chẳng hạn, thu nhập ở vùng nông thôn của Thái Lan giảm 12,5% so với cùng kỳ 2014.

Xe hơi là một trong những lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong khu vực, với doanh số bán hàng sụt giảm 12,1% tại Indonesia vào tháng 3.

Kevin Kwek, một nhà phân tích cao cấp tại Phòng Nghiên cứu Bernstein Singapore, cho rằng, Indonesia đang bị sụt giảm "dự phòng tạm thời", trong khi Thái Lan có sự sụt giảm nghiêm trọng hơn vì dân số đang già đi và tỷ lệ ăn lương giảm.

Hồi đầu năm, nhóm ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam tiếp tục bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng.

Dự báo trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế của nhóm ASEAN-5 chỉ đạt mức 5,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

Đến năm 2016, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của nhóm sẽ phục hồi hơn so với năm 2015 và đạt mức 5,3%; tuy nhiên vẫn giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Nguyên nhân của việc hạ dự báo là do những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Căng thẳng chính trị cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng đối với hàng hóa có giá trị cao.

Thái Lan vẫn bị ảnh hưởng sau khi cuộc đảo chính quân sự năm ngoái, trong khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang vật lộn để khẳng định quyền lực của mình.

Chính phủ Malaysia đã phải đối mặt với một vụ bê bối trên một quỹ phát triển quốc gia nợ nạp.

Tăng trưởng của Đông Nam Á đã chắc chắn chậm lại, câu hỏi bây giờ là "bao nhiêu và trong bao lâu".

Theo DNSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích