Phiên thảo luận ở tổ chiều 25/5 về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ngân sách 2014 và những tháng đầu năm 2015 lại “nóng” chuyện đầu ra cho nông sản Việt.
Không thể trông chờ giải pháp “tấm lòng”
Góp ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ TP. Hồ Chí Minh, ĐB Võ Thị Dung trăn trở khi đọc cả xấp tài liệu dày cộp của Bộ Công Thương trả lời chất vấn các ĐBQH về vấn đề đầu ra cho nông sản mà “đọc mãi vẫn không thấy được câu trả lời rõ rệt”.
“Chỉ thấy Bộ trưởng đi tìm đường bán hàng chỗ này chút, chỗ kia chút, nhưng cái gốc là sản xuất, chất lượng sản phẩm như thế nào để cạnh tranh thì lại không rõ. Tiêu thụ nông sản thời gian qua dựa vào tấm lòng trong nước và giờ là giải pháp tấm lòng từ nước ngoài thôi”- ĐB Dung thở dài.
Theo ĐBQH Võ Thị Dung, trong số các giải pháp đầu ra cho nông sản mà Bộ Công thương đưa ra chưa thấy giải pháp nào căn cơ... |
Là người đứng đầu ngành kế hoạch, nhưng bài toán bế tắc của nông sản lại là vấn đề khiến Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở. Chia sẻ với các ĐBQH tổ Lào Cai tại phiên thảo luận chiều 25/5, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn, “những giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra đối với mặt hàng nông sản vừa qua chỉ mang ý nghĩa tinh thần, hơn là giải pháp về kinh tế”.
Kể lại những chuyện “mắt thấy tai nghe” trong chuyến công tác tại Bình Thuận vừa rồi, Bộ trưởng Vinh cảm thấy xót xa khi người nông dân trồng thanh long "đua nhau làm, rồi cùng đua nhau chết”.
“Theo quy hoạch diện tích trồng thanh long là khoảng 15.000ha, nhưng người dân thấy dễ trồng, thấy lời trước mắt nên giờ diện tích trồng đã lên tới 22.000ha rồi. Quy hoạch vỡ thế thì làm gì chả ế, chả thừa. Vậy mà diện tích trồng vẫn cứ thế tăng lên” – ông Vinh buồn bã nói.
Cũng theo ĐB Võ Thị Dung, tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay không khác gì so với 15 năm trước. “15 năm trước thì “chưa lúc nào người sản xuất nông nghiệp lại bị dồn vào thế bí bách như thế này, vừa bị giảm giá, ế hàng, tiêu thụ khó khăn…”. 15 năm rồi tình hình vẫn như thế”- bà tiếp lời.
Lo ngại trước thực trạng nền nông nghiệp đang sản xuất thừa so với thị trường, cả trong nước và xuất khẩu cũng là tâm trạng của ĐBQH Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh). “Nền nông nghiệp, sản xuất nông sản chưa thích nghi với hội nhập. Chúng ta bán cái ta có chứ không phải cái họ cần”- ông Lịch nêu quan điểm.
Từ lo lắng này, ông Lịch băn khoăn trước thực trạng người nông dân “nô nức” bỏ cây nông nghiệp để đi trồng cây mắc ca. “Quá nhiều năm quản lý Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, tự phát và chịu tác động thị trường người nông dân chao đảo theo biến động thị trường”- ĐB Lịch nói thẳng.
Theo ông, nhiều đề xuất đưa ra Quốc hội cần một Nghị quyết về tam nông cho nông nghiệp, nhưng vị Phó trưởng Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh cho rằng không cần nghị quyết gì ghê gớm. Mà ngay trước những vấn đề đang nổi lên cụ thể của ngành nông nghiệp, của sản phẩm nông sản trong nước, chúng ta có mổ xẻ và có chính sách căn cơ để giải quyết.
Cũng từ câu chuyện của cây thanh long, dưa hấu, “tư lệnh” ngành kế hoạch nêu quan điểm, “vấn đề tồn tại của ngành nông nghiệp phải nhìn căn cơ, phải có tính toán cụ thể và phải làm ngay trong năm nay”.
Cứ “vẽ” quy hoạch rồi lại phá vỡ quy hoạch
Theo cảm nhận của ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) thì nền nông nghiệp đang định hướng sản xuất theo số lượng chứ không phải chất lượng. Đơn cử chuyện xuất khẩu gạo, hiện chủ yếu là giải quyết cho những quốc gia “ăn để no chứ không phải ăn ngon, trong khi ngay trong nước đang chuyển dịch từ ăn no sang ăn ngon”. Nhưng chính ngay trong chuyện quy hoạch của ngành cũng đang gặp nhiều khúc mắc.
Bày tỏ sự lo lắng trong quản lý quy hoạch hiện nay khá lỏng lẻo trong khi đầu tư đã được siết lại, ĐB Võ Thị Dung dẫn ví dụ về chuyện quy hoạch cây mắc ca. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đến năm 2020 phát triển 10ha mắc ca nhưng hiện giờ riêng tỉnh Lâm Đồng đã trồng tới 22ha rồi. “Quy hoạch cái gì ở đây nữa, quản lý như thế nào?”- câu hỏi bà Dung đặt ra thực sự khiến nhiều ĐB trăn trở.
Cũng chung băn khoăn chuyện người nông dân “nô nức” bỏ cây nông nghiệp đi trồng cây mắc ca, ĐB Trần Du Lịch lo lắng trước quy hoạch lỏng lẻo và bị phá vỡ trong gang tấc của ngành nông nghiệp.
“Quá nhiều năm quản lý Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, tự phát và chịu tác động thị trường người nông dân chao đảo theo biến động thị trường”- ĐB Lịch nói thẳng.
Trước thực trạng này, ĐB Ngọc Hòa nhấn mạnh, Bộ Công thương phải xác định tiêu thụ nông sản bao nhiêu trong nước, bao nhiêu xuất khẩu. “Bộ phải làm quy hoạch trong tiêu thụ và đóng vai trò kết nối cung cầu. Ngoài ra, Bộ nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho bãi, logistic…và tiến tới giảm giao dịch biên mậu nhỏ lẻ, tăng giao dịch chính ngạch.
Còn ĐB Võ Thị Dung đề nghị, Chính phủ cần xem xét lại chính sách ưu đãi giãn nợ, hỗ trợ thuế để giúp khu vực nông nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh.
Theo Infonet