Mật ngọt trên đất nóng
Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là một xã nghèo, thưa dân, nằm bên quốc lộ 14, từng gắn liền với hàng loạt vụ án tranh chấp đất đai, phá rừng, chém giết kinh hoàng vì đá đỏ, saphia. Vậy mà bây giờ, nhiều người tìm đến Trường Xuân chỉ để nếm hương vị vải thiều chín sớm.
Là dân buôn bán ở vùng Nhà Bè ngoại thành Sài Gòn, vào tuổi xế chiều ông Nguyễn Văn Nuôi bỗng hứng thú tìm hiểu về lợi nhuận đáng kể từ những giống vải nghịch mùa. Để lại cơ ngơi cho các con, ông bà lên Đắk Nông đến thôn 2 xã Trường Xuân mua đất trồng vải.
Ông Nuôi kể: Năm 2004 tôi trồng 180 gốc vải. Bông nó trổ trắng cành, mà trái hổng đậu. Tầm sư học đạo nhiều nơi, tôi mới biết cách điều khiển cho cây ra hoa đậu trái đúng quy trình. Năm rồi tôi thu được 17 tấn trái. Năm nay khoảng chục ngày nữa thương lái lên mua chở về Sài Gòn, chớ quanh vùng ai ăn cho hết?!
Để được công nhận là người thông thạo kỹ thuật thâm canh vải nhất tỉnh Đắk Nông như bây giờ, anh Nguyễn Văn Minh sinh năm 1980 ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà huyện Krông Nô cũng thất bại lắm phen. Vườn của anh hiện có hơn 400 cây vải 11 tuổi, mỗi vụ hái trên dưới 28 tấn trái, được thương lái mua bao trọn vườn giá 33.000 đồng/kg. Cộng thêm bán cây giống, gia đình anh thu nhập bạc tỷ.
Ở Lâm Đồng, ông Nguyễn Đình Đãi là một trong những người đầu tiên đưa giống vải thiều từ quê cũ Việt Yên- Bắc Giang vào trồng thử nghiệm ở thôn Tân Tiến, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông. Từ 3 cây vải đợt đầu mà ông trồng xen trong vườn cà phê mới tới năm thứ ba đã ra hoa, kết quả, trái to, cùi dày, chín sớm rất được giá. Ông chiết cành nhân giống bạt ngàn. Đầu tháng 5/2015 vườn vải ông Đãi chín rộ, được người ta mua nguyên vườn đóng thùng đưa đi.
Gần nhà ông Đãi, vườn vải của anh Dương Doãn Thắng cách quốc lộ 27 khoảng 2km, chín muộn hơn khoảng chục ngày. Anh Thắng khoe cây vải ông Đãi tặng “kỷ niệm làng xóm”, dù anh chỉ trồng kiểu “hoang dã” cũng đã cho 30kg quả, ra chợ bán 35 nghìn đồng/kg, họ sang tay cho khách 50 nghìn đồng/kg. Sang năm anh sẽ có gần 100 cây cho thu hoạch.
Ở Đắk Lắk, diện tích trồng vải lan rộng dần ra nhiều huyện, từ Ma Đrắk đến Ea Kar, Krông Pắk, Krông Năng, Krông Buk, Krông Ana, Ea Hleo… Chín sớm hơn cả, vườn vải của ông Nguyễn Duy Tiên xã Ea Kly huyện Krông Pắk được thương lái mua hết từ đầu tháng 5 để phục vụ đại gia và du khách xứ biển Vũng Tàu. Ông Vũ Trọng Luyến ở phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ năm nay có 3ha vải chín giữa tháng 5, dự kiến tổng thu không dưới 2 tỷ đồng.
Chín sớm, quả to tròn tươi đẹp, vị ngọt thanh, thoảng tí chua giòn thơm ngon, tất cả các vườn vải tháng 5 trên Tây Nguyên đều được thương lái lùng tận nơi mua hết. Thâm canh đúng kỹ thuật, dăm bảy mùa sau đợt trái bói đầu tiên, nhiều vườn vải đạt sản lượng tới 16-18 tấn/ha, lãi ròng 300-400 triệu đồng/vụ. Trong câu chuyện về nghề trồng vải chín sớm, không ít chủ vườn sung túc nhắc đến “thầy Quốc” đầy vẻ trân trọng, biết ơn.
“Nhà vải học” của Tây Nguyên
Thu nhập từ cây vải của ông Quốc kém xa nhiều chủ vườn vải khác, những người mà ông đã tận tâm truyền nghề. Dù chỉ có 3ha vải thực nghiệm vụ này thôi nhưng ước thu khoảng 50 tấn quả, giá 35.000 đồng/kg trọn vườn. Bởi, theo như ông tâm sự, toàn bộ niềm vui sống của đời ông bây giờ chỉ là truyền bá rộng rãi nghề trồng vải chín sớm cho nông dân Tây Nguyên.
|