Xăng tăng giá liên tục đang khiến doanh nghiệp taxi rơi vào thế "việt vị"

Thứ sáu, 22/05/2015, 15:28
Với đợt tăng giá xăng, dầu mới đây nhất của liên bộ Công thương – Tài chính, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và các hãng taxi như rơi vào thế khó...

Các hãng taxi “chịu trận”

Anh Nguyễn Hải Long (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), lái xe taxi cho hay rất bất ngờ trước việc tăng giá xăng dầu vào tối 20/5 vì cách đây chưa lâu giá xăng cũng đã tăng gần 2.000 đồng/lít. “Xăng tăng giá thì một số mặt hàng khác chắc chắn cũng sẽ tăng theo, các hãng taxi cũng không ngoại lệ và tôi đang chờ tin từ phía công ty”, anh Long nói.

Theo đó, giá xăng dầu mới được điều chỉnh như sau: giá xăng RON 92 và xăng sinh học (E5) tăng 1.200 đồng/lít; dầu mazút và diesel tăng 500 đồng/lít, dầu hỏa giảm 64 đồng/kg. Cụ thể, giá mới được áp dụng là xăng RON 92 ở mức 20.436 đồng/lít, dầu diesel ở mức 16.383 đồng/lít, dầu mazút ở mức 13.153 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 15.751 đồng/kg. Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 3 trong năm của mặt hàng xăng dầu.

Nhiều hãng taxi tại TP.HCM vẫn đang áp dụng mức giá đã tăng sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 5/5 (Ảnh: Phương Nguyễn).

Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM – Giám đốc hãng Taxi Vinasun, với tình hình tăng giá xăng dầu với mật độ dày như thế này đã “làm khó” cho các hãng kinh doanh taxi. “Điều chỉnh tăng giá là điều mà không doanh nghiệp nào mong muốn vì rất tốn kém kinh phí, ảnh hưởng đến khách hàng” ông Hỷ nói.

Theo ông Hỷ, trong đợt tăng giá xăng vào ngày 5/5 trước đó, nhiều hãng đề xuất Hiệp hội Taxi TP.HCM mức tăng từ 500 – 1000 đồng/km. Nhưng để góp phần bình ổn thị trường, hiệp hội đã đề nghị các hãng chỉ tăng 500 đồng/km.

Với mỗi đợt tăng, giảm giá xăng dầu như nói trên, các hãng taxi phải tốn kém kinh phí để điều chỉnh đồng hồ tính cước, in lại bảng giá, dán decan… Đối với hãng Vinasun, với hơn 5000 xe thì phải bỏ ra gần 600 triệu đồng cho các thay đổi này.

“Đến thời điểm này (chiều 21/5 - PV) các hãng vận tải taxi trên địa bàn TP.HCM vẫn đang áp dụng giá cước đã tăng cho đợt điều chỉnh giá xăng dầu trước đó. Các doanh nghiệp tiếp tục “chịu trận” chờ đợt điều chỉnh giá mới vì mỗi lần thay đổi rất tốn kém. Phía công ty đã có quyết định hỗ trợ cho lái xe trong lần tăng giá mới này”, ông Hỷ nói.

Vận tải hành khách khá “im ắng”

Đại diện hãng taxi Mai Linh cho biết vẫn đang áp dụng mức giá cũ đã tăng 500 đồng/km cho lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 5/5. Và hiện vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước.

Theo đại đa số các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải taxi, việc điều chỉnh giá là việc làm “cực chẳng đã”. Nhiều hãng taxi hiện nay đã thực hiện việc khoán tiền xăng dầu cho tài xế. “Không điều chỉnh giá cước thì buộc phải tăng mức hỗ trợ cho tài xế để bù lỗ”, đại diện một hãng taxi tại TP.HCM cho biết.

Trước những khó khăn của các hãng taxi như nói trên thì tình hình của các doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.HCM dường như khá im ắng.

Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc Bến xe Miền Đông. (Ảnh: Phương Nguyễn)

Ông Thượng Thanh Hải – Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, sau đợt xăng dầu tăng giá vào tối 20/5 và trước đó là ngày 5/5, các doanh nghiệp vận tải xe khách thuộc quyền quản lý của Bến xe Miền Đông chưa có doanh nghiệp nào đề xuất tăng giá cước.

“Với mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu như trước đây, tùy vào từng hoạt động của các hãng xe mà họ đề xuất điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên tăng như thế nào và có hợp lý không thì phải trình lên ban giám đốc xem xét”, ông Hải nói.

Dù vậy, việc xăng dầu liên tục tăng giá cũng sẽ khiến cho nhiều mặt hàng khác tăng theo bởi chi phí vận tải vốn là gánh nặng cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Đó là điều người dân lo lắng hiện nay.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích