Thị trường ôtô: Hàn Quốc muốn “cởi”, Việt Nam lại “trói”?

Thứ sáu, 22/05/2015, 13:43
Gánh nặng thuế phí có thể vẫn đè nặng lên mặt hàng ôtô, giá xe tới đây sẽ diễn biến theo chiều tăng, giảm hay giữ nguyên?
Ảnh minh họa.

Loạn đề xuất

Bộ Tài chính bất ngờ đưa ra đề xuất tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Mặc dù thừa nhận chính sách thuế sẽ có ảnh hưởng, tác động đến giá xe và thị trường ôtô nói chung nhưng đại diện Bộ Tài chính vẫn cho rằng, theo cách tính mới không có nghĩa sẽ hình thành giá bán mới.

Lý do mà đại diện Bộ Tài chính đưa ra được hiểu là việc hình thành giá bán mới thị trường sẽ không chấp nhận và các nhà kinh doanh phải tự tiết giảm chi phí, nâng cao quy trình, khả năng quản lý để đảm bảo lợi nhuận.

Đồng thời cho rằng, cách tính mới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước không nhằm mục đích tăng thu thuế.

Tuy nhiên, điều này đã được đại diện các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam lý luận ngược lại và khẳng định quy định hiện hành về tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu là “giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu” là chính xác và phù hợp.

Do giá CIF đã bao gồm giá thành sản xuất của nhà sản xuất với chi phí bán hàng bao gồm chi phí quản lý, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển… với lãi của nhà sản xuất chính hãng.

Trong khi, ý kiến được đưa ra từ đại diện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước là Vinaxuki, doanh nghiệp trước đây từng cam kết đưa vào thị trường dòng xe ôtô con với tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% lại cho rằng, cách thay đổi tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính là hợp lý.

Một đại diện khác đến từ, Công ty Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota lại cho biết, cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe CKD là dựa trên giá bán buôn trong khi đối với xe CBU chỉ dựa trên giá CIF nhập khẩu là không công bằng và khiến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe CKD cao hơn xe CBU.

Chính vì vậy, để đảm bảo sự công bằng giữa xe CKD và CBU, Toyota đề xuất điều chỉnh và áp chung một cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả xe CKD và CBU.

Vị này dẫn chứng một số nước ASEAN cũng đang áp dụng giá xuất xưởng làm cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất phương án điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe CBU thay vì với xe CKD như Toyota đề xuất.

Hàn Quốc muốn “cởi” nhưng…

Ngay thị trường ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc, nước đang có lượng ôtô nhập khẩu dẫn đầu vào thị trường Việt Nam tới đây Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc cũng chỉ cam kết xóa bỏ thuế quan cho ôtô tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và ôtô du lịch có dung tích xi lanh trên 3.000 cc. Là những dòng xe nhu cầu không lớn, thậm chí rất thấp.

Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam và ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: N.Thảo

Trao đổi với BizLIVE, ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, phía Hàn Quốc rất muốn thị trường “cởi mở” đặc biệt với mặt hàng ôtô nhưng điều này vẫn bị trở ngại vì ôtô vẫn được coi là “sản phẩm nhạy cảm”.

Theo ông Hongsun, nếu thuế quan được cắt bỏ dần về 0% người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua ôtô với mức giá chỉ từ 8.000-10.000 USD/chiếc tuy nhiên cũng như Hàn Quốc có một số lĩnh vực nhạy cảm cần bảo hộ thì Việt Nam cũng vậy và ngành công nghiệp ôtô là trường hợp như thế. Ông dự đoán, Việt Nam có thể mở cửa chậm hơn một chút.

Ông Hongsun từ chối nêu quan điểm liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt và cho rằng “cần phải bàn thêm vì điều này hết sức nhạy cảm”.

Trả lời câu hỏi, dự báo giá xe tới đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, ông Yoshihisa, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, chưa thể đoán biết giá xe như thế nào chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng và giá xe còn tác động bởi các yếu tố khác như tỷ giá hối đoái, chi phí nguyên vật liệu…

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn