Đề xuất thành lập công ty xử lý chất thải phóng xạ

Thứ tư, 20/05/2015, 17:29
Do các kho phóng xạ không được quản lý chất thải, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, các nhà khoa học đề xuất thành lập công ty chuyên thu gom, vận chuyển, lưu giữ chôn nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã trở thành tâm điểm thảo luận của hội nghị Pháp quy hạt nhân lần 2 đang diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 20/5, tiểu ban 1 gồm nhiều chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, và các chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân của quốc tế đã tập trung thảo luận về Chính sách và quy phạm về nhà máy điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Liên quan đến nội dung này, nhiều nhà khoa học đã nêu ra vấn đề quản lý chất thải phóng xạ, nhất là khi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đi vào hoạt động là một yêu cầu bức thiết.

Bà Nguyễn Nữ Hoài Vi (Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân) cho biết, hiện Việt Nam có hai cơ sở quản lý chất thải phóng xạ là Bộ phận quản lý chất thải phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, trực thuộc Trung tâm lò phản ứng, chịu trách nhiệm xử lý nước cấp cho lò nghiên cứu, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra trong quá trình vận hành lò phản ứng nghiên cứu và các chất thải của Trung tâm sản xuất đồng vị phóng xạ.

Cơ sở thứ hai là Trung tâm Quản lý chất thải phóng xạ tại Phùng, Hà Nội (Cơ sở II của Viện Công nghệ xạ hiếm). Ngoài ra, có 4 kho chứa nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được đặt ở một số đơn vị.

Lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt những năm sau giải phóng

Các kho trên chỉ có trách nhiệm lưu giữ nguồn của đơn vị mình, ngành mình, chưa tiến hành làm dịch vụ giữ nguồn. Các đơn vị sử dụng nguồn vẫn phải tự bảo vệ, lưu giữ nguồn đã hết hạn sử dụng của mình nếu không có được các hợp đồng về việc trả lại nguồn đã hết hạn sử dụng cho nước cung cấp nguồn. Các kho này không được thiết kế và xây dựng với mục đích quản lý chất thải phóng xạ dài hạn và vì vậy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.

Bà Nguyễn Nữ Hoài Vi đã dẫn chứng: “Đa số các nước có chương trình điện hạt nhân như Anh, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản… những năm gần đây mới nhận thức được tầm quan trọng của việc có một cơ quan chịu trách nhiệm chung về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng và do đó đã thành lập một công ty chịu trách nhiệm riêng về vấn đề này”. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, gần đây, hàng năm số giấy phép tiến hành công việc bức xạ tăng trung bình khoảng 10%.

Năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 toàn quốc chỉ có 1 máy giá tốc xạ trị LINAC, thì tới thời điểm này toàn quốc đã có khoảng 35 máy LINAC.

Cũng tại thời điểm đó, kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư bằng công nghệ PET còn quá xa vời với Việt Nam, thì bây giờ chúng ta đã có máy PET/CT và 5 máy gia tốc vòng cyclotron để sản xuất dược chất phóng xạ cho chẩn đoán PET. Việt Nam đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế xếp hạng thứ 8 trong lĩnh vực đột biến tạo giống bằng bức xạ.

Hơn nữa, theo số liệu kiểm kê của Cục ATBXHN, hiện tại Việt Nam có 803 cơ sở bức xạ và cơ sở chẩn đoán X-quang, với khoảng gần 1.800 nguồn phóng xạ đang sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau và khoảng hơn 1.400 nguồn phóng xạ không còn sử dụng đang được lưu giữ ngay tại các cơ sở bức xạ rải rác trên khắp cả nước.

Việc không có một cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia đã buộc các cơ sở có chất thải phóng xạ phải lưu giữ chất thải này trong các điều kiện không bảo đảm an toàn và an ninh.

Từ những thực tế trên, các nhà khoa học đều thống nhất đề xuất sẽ trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội cho thành lập một công ty nhà nước chuyên thu gom, vận chuyển, lưu giữ, chôn nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Công ty này còn thực hiện chức năng nghiên cứu, xây dựng chính sách tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân khi không sử dụng nữa.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn