Giống như hành tím, dưa hấu… giá mía ở đây giảm 50-60% so với năm ngoái, trong đó nguyên nhân chính là vượt quy hoạch.
Giá mía tím ở Hòa Bình đang rớt 50-60% so với năm ngoái. Ảnh: Bình Sơn. |
Đốt bỏ để làm vụ mới
Những ngày qua, người dân nhiều xã ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn… (tỉnh Hòa Bình) như “ngồi trên đống lửa” vì những vườn mía giá rớt thảm hại. Ông Bùi Văn Thắng, một hộ trồng gần 2ha ở xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) cho biết, năm trước, anh trồng 1,5ha mía, giá mía bán 6.000-8.000 đồng/cây, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... cũng còn khoảng 200 triệu đồng.
“Thấy được, năm nay tôi trồng thêm khoảng nửa hécta nữa. Tuy nhiên, giá bán cũng rớt đi vơi nửa. Tôi để lại một ít, ai ngờ, giá càng ngày càng rớt còn 2.500 đồng/cây, cây đẹp mới có giá 3.000 đồng/cây”- anh Thắng nói. Cũng giống anh Thắng, nhiều hộ dân trồng mía ở Tân Lạc đành ngồi nhìn “giá mía rơi”, vì cây mía do lượng mía dồn quá lớn. Theo tìm hiểu của PV, giá mía ở Tân Lạc năm nay sụt giảm mạnh, do người dân trồng tự phát khắp nơi, khiến nguồn cung vượt cầu.
Cùng cảnh ngộ, nông dân trồng mía các xã Nam Phong, Dũng Phong, Tân Phong… (huyện Cao Phong, Hòa Bình) chịu cảnh “mía đắng”. Năm ngoái, giá mía bán ra trung bình khoảng 5.000 đồng/cây, nay chỉ còn 2.500-3.000 đồng/cây, thậm chí có nơi chỉ còn 1.000 đồng/cây mía, rớt giá tới 50-60%. Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết cùng với cây cam, mía là cây kinh tế mũi nhọn của huyện. Diện tích mía của huyện cũng khoảng 2.000ha, thuộc dạng lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ mía tím hiện chậm và “rất căng”.
Theo ông Long, những năm trước, cây mía đem lại thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với cây sắn, ngô, lúa… Tuy nhiên, năm nay giá mía xuống thấp, nên thu nhập còn 70-80 triệu đồng/ha. Chủ tịch huyện Cao Phong cho biết, mía bán chậm, giá thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề “siết” xe quá khổ, quá tải khiến cước phí bị đẩy lên cao. Vì thế, thương lái khó “ăn hàng”.
“Toàn tỉnh còn khoảng 1.000ha mía tím khó tiêu thụ đã chuyển sang giai đoạn chuyển hóa đường, nẩy mầm. Do vậy, nếu giải cứu cũng khó, vì e rằng không đảm bảo chất lượng, uy tín với người tiêu dùng”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bình, cho biết chuyện giá mía rớt đã “đến tai” Bí thư Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Hội Nông dân, tỉnh Đoàn và Sở NN&PTNT khảo sát, báo cáo cụ thể tình hình.
Ông Phong cũng cho hay hơn chục năm nay, đây là năm đầu tiên mía tím mất giá thấp đến thế. “Số hộ mất trắng hoặc thua lỗ chỉ khoảng 3-5%, số còn lại về cơ bản có chút lãi.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết tỉnh này có hơn 10.000ha mía, trong đó diện tích mía tím khoảng 4.000ha (còn lại mía ép đường, mía ép nước giải khát). Nhưng năm nay mía tím đã vượt quy hoạch, nhảy lên con số 5.000-6.000ha. “Qua nắm bắt tình hình, với khoảng 1.000ha mía tím khó tiêu thụ đó tản mát ở các huyện, mía đã “già”, chuyển hóa sang nuôi mầm. Với những cây đẹp, người dân đã chặt tỉa để bán trước đó; một số chuyển sang làm giống, còn lại phải bỏ, đốt sạch để làm vụ khác” - ông Phong nói.
Chưa có chính sách cho mía
Mía tím thường được trồng từ tháng 3-4 hằng năm, đến khoảng tháng 8-9 có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch mía tím có thể kéo dài 3-4 tháng. Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, mía là cây cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với sắn, ngô, lúa... “Thực tế, một héc ta mía, canh tác ở mức trung bình, đầu tư ban đầu khoảng 35-40 triệu đồng/ha, nếu bán với giá khoảng 2.000 đồng/cây như hơn một tháng qua cũng có thể được khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 30-40 triệu đồng/ha, chứ không lỗ hết”.
Tuy nhiên, cây mía hiện đã có quy hoạch, định hướng, nhưng quản lý quy hoạch mới là quan trọng. “Quy hoạch vùng này trồng đậu, lạc, nhưng dân thấy trồng mía có lãi hơn thì họ chuyển. Trong quy hoạch cũng khó bắt bẻ, vì nông dân họ bảo chẳng nhẽ để chúng tôi nghèo mãi với cây này”- ông Phong lý giải.
Từ chuyện dưa hấu, hành tím khó tiêu thụ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần liên kết mới có thể trồng mía theo quy hoạch, chứ rời rạc, mạnh ai nấy làm thì rất khó, rồi tình trạng “được mùa mất giá” lại tiếp diễn vụ này qua vụ khác. “Sức tiêu thụ chỉ khoảng 3.000ha mía, nhưng vượt quá lại hụt hơi. Trung bình, một hécta cho 40-50 vạn cây mía, nếu khoảng 5.000ha, tính ra khoảng 250 triệu cây, tiêu thụ thế nào cho hết? Một người dân Việt Nam ăn mấy cây mía mỗi ngày?”- ông Phong băn khoăn
“Toàn tỉnh còn khoảng 1.000ha mía tím khó tiêu thụ đã chuyển sang giai đoạn chuyển hóa đường, nẩy mầm. Do vậy, nếu giải cứu cũng khó, vì e rằng không đảm bảo chất lượng, uy tín với người tiêu dùng”. Ông Nguyễn Trường Phong |
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình, cho biết mía tím được trồng ở “rẻo” Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Yên Thủy… “Hiện nay, cây mía có quy hoạch rồi nhưng chưa có chính sách, chúng tôi mới có chính sách cho cây ăn quả và rau” - ông Tiệp nói.
Theo NLĐ