Phát biểu tại hội thảo về doanh nghiệp Nhà nước do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) ngày 27/5, ông Phạm Đức Trung - Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp cho biết tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 80% GDP, tập trung vào nhóm các tập đoàn kinh tế lớn (chiếm gần 60%).
So sánh với các quốc gia trên thế giới, khu vực quốc doanh tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng quá lớn. Chẳng hạn, tại châu Phi, nhóm này chiếm 15% GDP, châu Á nói chung là 8% GDP, Mỹ Latin là 6%. Ở các nước thuộc nhóm thu nhập cao (OECD), quy mô tài sản cũng chỉ tương đương 15% GDP.
Chuyên gia khuyến nghị phải thu hẹp quy mô doanh nghiệp Nhà nước về còn 20% GDP. |
Việc tập trung đa số nguồn lực vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước khiến kinh tế Việt Nam chịu nhiều hệ lụy, méo mó. Theo ông Trung, hệ thống pháp luật 30 năm qua đã dần hoàn thiện, nỗ lực đặt doanh nghiệp Nhà nước vào một khuôn khổ chung với doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, thực thi và ứng xử của Nhà nước và các chủ thể khác như ngân hàng, công luận lại tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận doanh nghiệp.
"Hiện nay, nhiều tập đoàn thống lĩnh thị trường quan trọng như điện, xăng dầu..., khiến doanh nghiệp tư nhân khó gia nhập do bị cản bởi hệ thống giấy phép kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, việc có sẵn một ông lớn như vậy cũng rất khó cạnh tranh", ông Trung nói.
Ngoài ra, tình trạng "quá lớn để sụp đổ" dẫn đến bộ phận lớn doanh nghiệp Nhà nước thực hiện không nghiêm kỷ luật tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng khi khối này không trả được nợ thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ hoặc can thiệp để các chủ nợ khoanh nợ, giãn nợ.
"Điều này làm cho nguyên tắc thị trường tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm không thực hiện được với doanh nghiệp Nhà nước", ông Trung nhận xét.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh bên cạnh ý nghĩa quá lớn để sụp đổ, trong khối quốc doanh còn phát sinh quan hệ quá nhằng nhịt để có thể sụp đổ, và vấn đề này thậm chí còn khó giải quyết hơn.
Từ đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng vấn đề cấp bách là cần xem lại vai trò chức năng doanh nghiệp Nhà nước, không thể tiếp tục tình trạng như hiện nay. "Nhiều chuyên gia nước ngoài và tổ chức quốc tế nói với tôi thôi đừng bàn tới cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bởi không làm được đâu mà nên tập trung phát triển khu vực tư nhân. Song, tôi phản biện là chỉ có cải cách doanh nghiệp Nhà nước mới phát triển được khu vực tư nhân, nếu không khi nó lớn lên thì sẽ lại như doanh nghiệp Nhà nước tìm kiếm các mối quan hệ khác", ông Cung phát biểu.
Vị này cũng khuyến nghị phải thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời áp đặt kỷ luật ngân sách cứng và kỷ luật thị trường cho khu vực này, lúc đó mới xóa được các đặc quyền đặc lợi. Cổ phần hóa cũng phải thực chất, không được nửa vời, nếu không vẫn sẽ chỉ là bình mới rượu cũ.
Góp ý thêm tại hội thảo, tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cho biết cần phải giảm kích cỡ doanh nghiệp Nhà nước thì mới mong quản trị hiệu quả. "Chỉ có thể giảm quy mô tài sản doanh nghiệp Nhà nước xuống 20% GDP thì mới nghĩ ra cách quản trị hiệu quả cho từng ngành, có được con người phù hợp để quản trị được doanh nghiệp đó", ông Minh nói.
Đối với những ngành tư nhân đã làm hiệu quả, vị chuyên gia này cho rằng cần phải triệt để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng trong những lĩnh vực mà quốc doanh chiếm đa số, doanh nghiệp tư nhân yếu thì phải có giải pháp đưa khu vực tư nhân vào nhằm giám sát các ông lớn đó. Riêng lĩnh vực công ích, khu vực này cần một mô hình quản trị riêng để đảm bảo hiệu quả.
Tiến sĩ Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng CIEM cũng thúc giục cần phải nhanh chóng giải quyết những méo mó ở khu vực Nhà nước, bởi nếu cứ giữ nguyên tình trạng như hiện nay thì sau chục năm nữa cũng không thể cải thiện được.
Theo VnExpress