Giữa thành phố đông đúc, những đứa trẻ vẫn cầm roi lùa đàn trâu, bò ra cánh đồng rộng lớn như đám trẻ ở những vùng quê vẫn thường làm. Chỉ khác, với chúng mỗi lần đi thả trâu bò ra cánh đồng như một niềm vui lớn.
“Mỗi buổi chiều đi học về là con lại xin bố mẹ ra đồng chăn bò, chơi với đám bạn. Vừa thả cho bò ăn cỏ vừa thả diều, chơi đuổi bắt…, Cả lớp con có mỗi nhà ngoại con là có năm con bò, lên lớp kể với những đứa nhà không có trâu, bò tụi nó cứ đòi con dẫn về nhà xem”, Nguyễn Xuân Lộc, học sinh lớp 5, trường tiểu học Kim Đồng phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân (TP.HCM) nói.
Ở TP.HCM có hàng trăm cánh đồng, bãi đất trống mà người dân tận dụng để nuôi trâu bò |
Theo bà Nguyễn Thị Huệ (55 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa): chăn trâu bò ở phố sướng hơn ở quê vì không phải đi cắt cỏ hoặc cho ăn thêm loại thức ăn nào. Không cần chuồng trại, chỉ cần ít cọc gỗ và dây kẽm gai rào lại một khu vực vài trăm mét vuông để buổi tối đuổi đàn bò về đó nhốt.
Gia đình bà Huệ trước khi bị giải toả sống nhờ công việc đồng áng. Khi toàn bộ số đất ruộng bị thu hồi, cả gia đình cầm một cục tiền bồi thường nhưng không biết làm gì. Mỗi ngày số tiền lại vơi dần do cả gia đình chỉ tiêu mà không kiếm ra thêm.
“Xây dựng nhà cửa thì không được, cày bừa làm rau cũng không xong. Thấy nhiều cánh đồng rộng lớn cỏ mọc um tùm nên gia đình đầu tư mua bò về thả”, bà Huệ nói. Bà đã mạnh dạn rút gần 200 triệu ra mua đàn bò về thả. “Ban đầu tôi cũng sợ lắm, lỡ bị gì thì cả nhà chỉ có đường đi ăn xin. May mà sau năm đầu tiên đàn bò cũng cho về thu nhập mấy chục triệu”, bà Huệ nhớ lại.
Hàng ngày, cứ tờ mờ sáng bà Huệ lại í ới mấy chị em trong xóm đem đàn bò hơn 20 con ra cánh đồng, khu đất trống ở phường Bình Hưng Hoà B thả. Tìm một gốc cây hoặc bóng mát phía sau những căn nhà tầng ngồi nghỉ ngơi. “Chăn bò ở đây không sợ bò đói, mà cũng ít phải mua thức ăn cho bò, bãi này cho ăn vài ngày cỏ hết thì lùa qua bãi khác, vài ngày lại quay lại bãi cũ là cỏ đã mọc lại rồi”, bà Huệ chia sẻ.
Các em nhỏ tranh thủ chăn trâu bò giúp bố mẹ, sau giờ tan học |
Chăn trâu bò cũng có nỗi khó khăn riêng, chị Nguyễn Thị Nga (34 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa) tâm sự: Cũng không ít lần tôi phải bồi thường cho những gia đình khác vì đàn trâu nhà chị húc nhau khiến trâu, bò nhà khác bị thương. “Đàn trâu nhà mình lớn nhất khu vực này, bình thường thì không sao, hễ thấy đàn trâu, bò lạ đến khu vực là lao vào húc nhau. Một con kéo theo cả đàn húc nhau khiến cả làng hốt hoảng. Trâu nhà mình húc bị thương trâu, bò nhà người ta thế là phải bồi thường. Có đợt phải đền cả chục triệu đồng vì húc gần chết con trâu nhà người ta”, chị Nga kể.
Còn anh Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, ngụ phường Vĩnh Lộc A, quận Bình Tân) vừa bán được hai con trâu thịt với giá hơn 80 triệu đồng. Anh Cường cho biết, gia đình anh không nuôi trâu mẹ nên mỗi năm anh đi mua gần chục con trâu con khoảng hơn một tuổi về chăm sóc cho lớn rồi bán. “Trâu con mình đi mua mỗi con cũng trên dưới hai chục triệu đồng về bỏ công sức chăn thả, đầu tư mua thức ăn về thúc cho trâu nhanh lớn. Mỗi con trưởng thành bán được 40 đến 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng lời được hơn chục triệu một con”, anh Cường nói.
Nhờ chăn nuôi trâu bò mà nhiều người dân thoát nghèo, có cuộc sống sung túc |
Anh Cường chia sẻ thêm, thời gian mới nuôi trâu, chưa có kinh nghiệm nên đàn trâu bị bệnh, nuôi mãi không lớn được bao nhiêu. Cả năm vất vả với đàn trâu nhưng cũng không có lời, trong khi số lãi ngân hàng ngày nào cũng phải lo. Sau này anh lân la đến những gia đình nuôi trâu lâu năm học hỏi kinh nghiệm, quan sát trâu.
Qua năm thứ hai đàn trâu của anh bắt đầu ổn định, tuy thu lời chưa cao nhưng vẫn đủ trang trải cuộc sống, đến nay anh đã giàu nhờ đàn trâu. “Thời gian đầu trâu bị bệnh mà không có cách chữa tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Tiền lãi tháng nào cũng phải đóng, có lúc phải cầm cố đồ đạc để trả nợ. Những lúc đó tưởng chừng như gia đình đi vào ngõ cụt”, anh Cường nói.
Theo bà Huệ, bình quân một năm bò đẻ một con, mỗi con bê khoảng 3 tháng tuổi bán cũng được hơn chục triệu đồng còn nuôi lớn bán thịt thì vài chục triệu một con. “Mấy năm đầu, số tiền đầu tư lớn, lãi ngân hàng nhiều mà bò chưa bán được, cả gia đình phải làm mọi thứ để có tiền trả lãi ngân hàng, không đủ phải vay người thân ở quê. Vài năm trở lại đây đàn bò lớn và có thể bán để thu hồi được vốn, tiết kiệm được ít tiền mua cho đứa con đầu mảnh đất xây nhà”.
Theo Infonet