Khó “trảm” ATM bị trục trặc

Chủ nhật, 24/05/2015, 19:53
Ngân hàng thương mại có thể đối phó bằng cách điều chỉnh thời điểm ATM bị trục trặc. Nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra đột xuất thì ATM vẫn còn thời gian cho phép khắc phục sự cố

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm ATM. Thế nhưng, trên thực tế việc giám sát xử lý ATM bị trục trặc là không đơn giản

Công nghệ không đồng đều là một trong nhiều nguyên nhân làm ATM bị trục trặc

Công nghệ thiếu đồng đều là một trong nhiều nguyên nhân làm giao dịch ATM thường xuyên bị trục trặc

Chưa giải quyết tận gốc

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có trên 79 triệu thẻ ATM do 52 tổ chức phát hành; 15.931 máy ATM, số lượng POS là 167.943 máy. Các giao dịch qua ATM chủ yếu là rút tiền mặt (chiếm 80% tổng số giao dịch). Nguyên nhân các sự số ATM thường phát xuất từ ngân hàng lẫn chủ thẻ, phổ biến nhất là đường truyền nghẽn mạch, máy ATM hết tiền hoặc bị lỗi, mã PIN bị khóa, thẻ bị hư hỏng, chủ thẻ thao tác sai…

Để giải quyết các vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN về bảo đảm an toàn hoạt động ATM. Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng chính sách bảo mật thông tin, quy trình vận hành, bảo dưỡng, giám sát bảo đảm máy ATM đủ tiền; xử lý trục trặc giao dịch của chủ thẻ trong vòng từ 5 -7 ngày…Mặt khác, căn cứ Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử phạt 15 triệu đồng đối với ngân hàng có máy ATM bị trục trặc nhưng không kịp khắc phục trong vòng 24 giờ.

Nhiều ý kiến cho rằng các quy định, chế tài như trên chỉ giải quyết được phần ngọn sự cố ATM. Bởi lẽ, không phải ngân hàng thương mại nào cũng tuân thủ quy định, đồng thời của Ngân hàng Nhà nước chưa đủ sức lực để kiểm tra, giám sát hệ thống ATM của từng tổ chức phát hành thẻ.

Thực tế cho thấy, hệ thống ATM do ngân hàng thương mại trang bị và không kết nối với Ngân hàng Nhà nước. Giả sử ATM hết tiền hoặc bị lỗi quá 24 giờ, ngân hàng thương mại có thể đối phó bằng cách điều chỉnh thời điểm ATM bị trục trặc. Nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của người dân và các phương tiện thông tin đại chúng, thì ATM vẫn còn thời gian cho phép khắc phục sự cố. Thế là, cơ quan quản lý không đủ chứng cứ để xử phạt ngân hàng.

Nên ban hành tiêu chuẩn công nghệ

Để trở thành thành viên các tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master Card, các ngân hàng phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về công nghệ, chất lượng đường truyền, giải pháp chống đánh cắp dữ liệu, bảo mật thông tin...Hàng năm, Visa và Master Card đều tiến hành kiểm tra, yêu cầu ngân hàng thành viên nâng cấp, khắc phục mọi yếu tố liên quan đến hệ thống giao dịch.

Trong khi đó, tại Việt Nam, khi các ngân hàng kết nối hệ thống ATM với hai trung tâm chuyển mạch Banknet và Smartlink, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra tiêu chuẩn nào về hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, công nghệ ATM của nhiều NH thiếu đồng đều khiến sự cố giao dịch thường xuyên xãy ra. Thậm chí, có ngân hàng không có hệ thống ATM song vẫn liên kết triển khai dịch vụ rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng bạn thông qua điện thoại di động.

Một số chuyên gia về thẻ đề xuất Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chuẩn về công nghệ ATM (kể cả hai trung tâm chuyển mạch Banknet và Smartlink Banknet). Đây chính cái gốc nhằm hạn chế thấp nhất trục trặc ATM, giảm thiểu phiền toái cho chủ thẻ.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn