Tại buổi tọa đàm: Mắc ca từ “vì sao” đến “như thế nào” diễn ra ngày 14/4, ông Bùi Hữu Hòa, nông dân trồng cây mắc ca khá thành công ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết: Trên thị trường, một số người làm ăn không có lương tâm, họ lấy mắt ghép giả. Thực tế, dân cứ thấy rẻ là mua, nhưng cây ghép đưa ra đồng cũng phải mất 2-2,5 năm mới xuất được.
“Bà con nên thật tỉnh táo với cây giống. Ở khu vực nhà tôi, có nhiều vườn giống lắm. Có người dẫn tôi đi thăm vườn mắc ca, bảo đã trồng 5 năm không ra hoa kết trái”- ông Hòa nói.
GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT)- chuyên gia hàng đầu về cây mắc ca cho biết: Cây mắc ca không phải vùng nào cũng trồng được, chỉ hợp với vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.
Từ lúc mang loại cây này về nước hơn 20 năm nay, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu cây, diện tích khoảng 5.000ha, gần như gấp đôi con số Bộ NN&PTNT mới công bố. Tuy nhiên, theo GS Hòe, trong 1 triệu cây đó, có khoảng 50% cây ghép, số còn lại là giống cây từ hạt, nguồn gốc không rõ ràng.
TS Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho rằng, mắc ca có thể mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, mục tiêu trồng 200 nghìn hay chỉ 10 nghìn ha là những con số cụ thể, và không nên tranh cãi về những con số. Vấn đề là làm thế nào cho ra kết quả.
TS Ngọc cũng cho rằng, việc đầu tiên là xác định quy hoạch vùng trồng cho phù hợp, để quản lý, phát triển bền vững. Mặt khác, phải kiểm soát chất lượng giống cây. “Tới 50% cây mắc ca mọc từ hạt, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng, vì tới 5 năm sau có thể cho hoa, kết quả. Vì thế, nếu không quản lý chặt từ cây giống, khi đưa ra sản xuất thì rất nguy hiểm”- ông Ngọc cảnh báo.
Theo Tiền Phong