Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn mua sân bay Phú Quốc: Cuộc đua đã "nóng"

Thứ ba, 14/04/2015, 09:03
Cuộc đua giành quyền khai thác sân bay quốc tế Phú Quốc đến thời điểm này mới bắt đầu "nóng" và danh sách nhà đầu tư sẽ không chỉ dừng lại ở T&T và IPP.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) - doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc (Kiên Giang).

Như vậy đến nay, cuộc đua giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc mới thực sự trở nên "nóng", bởi trước đó chỉ mới có Công ty cổ phần Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển - chủ CLB bóng đá Hà Nội T&T chính thức bày tỏ mong muốn sở hữu sân bay này. Xét về tiềm lực tài chính, cả T&T và IPP đều là những đối thủ "xứng tầm" với số vốn điều lệ lên đến hơn nghìn tỷ.

Tuy nhiên, nếu đối với T&T, đề xuất mua sân bay Phú Quốc được xem là một quyết định đầu tư ngoài ngành thì với IPP, lĩnh vực này vốn không lạ lẫm. IPP được xem là cái tên quen thuộc trong ngành dịch vụ hàng không. Theo giới thiệu của IPP trong văn bản gửi Bộ GTVT, doanh nghiệp này có hơn 30 năm hợp tác với ngành hàng không và 25 năm kinh nghiệm trong đầu tư, cung cấp hàng hóa, điều hành kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng thức ăn nhanh và các điểm dịch vụ bán lẻ tại nhiều sân bay của Việt Nam.

Năm 2014, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương được cho rằng đã chi khoảng 310 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần (tương ứng 31 triệu cổ phiếu) của Công ty Dịch dụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) - một công ty con của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Thêm nhà đầu tư muốn mua lại Sân bay Phú Quốc

Đến tháng 12/2014, Sasco tiến hành Đại hội cổ đông. Tại đây bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) đã được bầu làm thành viên hội đồng quản trị.

Sasco là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tại sân bay với các hoạt động chính bao gồm kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ẩm thực, phòng khách thương gia, dịch vụ vận chuyển… Năm 2013, Sasco đạt doanh thu 2.008 tỷ đồng và lãi sau thuế 92 tỷ đồng.

Hiện tại Sasco đang là doanh nghiệp có cửa hàng dịch vụ lớn nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất với chuỗi cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, hàng thủy hải sản, quần áo may sẵn, vàng bạc đá quý, đồ trang sức... Việc thâu tóm cổ phần Sasco của IPP, một nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… được xem là bước đệm để IPP đưa hàng hiệu ra sân bay.

Được biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M). Đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, quan điểm của Bộ GTVT sẽ bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước.

Trước đó, phát biểu tại hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không tổ chức, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho rằng, mỗi doanh nghiệp xin đầu tư, chuyển nhượng nhà ga, sân bay đều phải có các phương án, giải trình đảm bảo an toàn an ninh hàng không. Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu trước khi chuyển nhượng Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ra điều kiện để được tham gia đấu thầu chuyển nhượng, nếu đáp ứng được điều kiện thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cuộc đua giành quyền khai thác sân bay quốc tế Phúc Quốc đến thời điểm này mới bắt đầu "nóng" và danh sách nhà đầu tư sẽ không chỉ dừng lại ở T&T và IPP.

Sân bay Phú Quốc (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) khánh thành vào ngày 15/12/2012 với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.

Sân bay này đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000m, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747- 400 và tương đương.

Cảng có sân đậu máy bay cho 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm. Nhà ga hành khách có diện tích 24.325m2, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm.

Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ… được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Giáo Dục Việt Nam

Các tin cũ hơn