Hôm qua, bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Dù vậy, bà lại gần như giữ yên lặng với vấn đề kinh tế - lĩnh vực bà đề cập rất tích cực trong chiến dịch năm 2008.
Kinh tế Mỹ đã khác rất xa 7 năm trước. Thời đó, Mỹ chuẩn bị rơi vào khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 10%. Thị trường nhà đất đang sụp đổ. Giữa người dân và các công ty tài chính ngày càng rạn nứt.
Bà Hillary Clinton sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: CNN |
Hiện tại, Mỹ đã thoát khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống 5,5% - không xa so với mục tiêu của giới chức. Năm ngoái cũng là năm Mỹ tăng trưởng việc làm mạnh nhất từ 1999. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn vẫn còn tồn tại. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng và thu nhập của người dân hầu như không tăng.
Vì vậy, giới chuyên gia nhận định kế hoạch xóa chênh lệch giàu nghèo, khả năng điều hòa mối quan hệ với giới tài chính và người dân sẽ là mấu chốt cho sự thành công lần này của bà.
1. Vấn đề bất bình đẳng thu nhập
Trước đây: Bà từng chỉ trích rất mạnh Tổng thống George W. Bush vì cách điều hành kinh tế năm 2008. Bà nhấn mạnh vào số người mất việc làm, bất bình đẳng thu nhập và lương không tăng. Dù khi đó, nền kinh tế chưa xuống dốc (tỷ lệ thất nghiệp là 5,6%), lý luận của Hillary cũng khiến nhiều người Mỹ quan tâm.
"Tổng thống Bush có cơ hội cuối cùng hôm nay để thừa nhận điều người Mỹ đã biết từ lâu, rằng nền kinh tế không hoạt động vì lợi ích của tầng lớp trung lưu", bà nhận xét về Thông điệp liên bang của Tổng thống Bush vào tháng 1/2008.
Hiện tại: Vấn đề vẫn không cải thiện mấy qua thời Tổng thống Obama. Nhưng bà Clinton sẽ không thể chĩa mũi nhọn về phía ông như với Tổng thống Bush nữa.
Năm 2008, thu nhập trung bình của người Mỹ là 796 USD một tuần, bằng đúng tuần cuối năm 2014, theo số liệu đã điều chỉnh lạm phát của Bộ Lao động Mỹ. Các chuyên gia cho rằng bà Clinton sẽ phải tính toán cẩn thận hơn với các tuyên bố về vấn đề này, để không tạo khoảng cách với ông Obama.
"Thế giới ngày nay rất khác năm 2008. Ngoài kia đang có rất nhiều người giận dữ về nền kinh tế và chênh lệch giàu nghèo. Bà ấy sẽ phải điều chỉnh các tuyên bố của mình", Gary Burtless - nhà kinh tế học tại Viện Brookings cho biết.
2. Không thể quá gần gũi với phố Wall
Trước đây: Thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Bà Hillary rất thích nhắc lại điều đó năm 2008. Sự bùng nổ công nghệ, các hợp đồng thương mại tự do, thị trường đi lên là những điểm nhấn kinh tế dưới thời ông Clinton.
Ông đã củng cố quan hệ với phố Wall, giúp bà Hillary có lợi thế năm 2008, Larry Sabato - giáo sư kinh tế tại Đại học Virginia nhận xét. "Bà ấy là ứng cử viên của Wall Street năm 2008", ông nói.
Hiện tại: Wall Street vẫn được kỳ vọng sẽ đổ hàng triệu USD cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary. Nhưng giới chuyên gia cho rằng bà sẽ phải thận trọng hơn với những sự hỗ trợ đó. Cuộc khủng hoảng 2008 đã tạo ra hình ảnh không mấy tốt đẹp về giới tài chính trong mắt người dân.
Gần đây, nghị sĩ đảng Dân chủ - Elizabeth Warren còn đề nghị các ngân hàng cải tổ mạnh hơn. Bà có thể gây áp lực buộc bà Hillary và những người khác đi theo lập trường này.
Bà Hillary sẽ phải tìm cách cân bằng giữa việc làm hài lòng những nghị sĩ Dân chủ như Warren và không bỏ lỡ nguồn tài trợ trung thành từ Wall Street, giới chuyên gia nhận định. "Bà ấy muốn hợp lòng dân, nhưng cũng cần tài chính nữa", Sabato nhận xét.
3. Kết nối với người dân
Trước đây: Hillary Clinton từng chế nhạo Tổng thống Bush năm 2008. Trên USA Today, bà cho biết "giới giàu có" đã hưởng hết lợi lộc từ nền kinh tế của ông. Là thượng nghị sĩ của New York, bà đã đấu tranh cho việc làm của giới trung lưu, luật lương tối thiểu và thúc đẩy cải tổ chăm sóc y tế.
Vài năm sau, quan hệ giữa bà Hillary và giới nhà giàu đã công khai hơn. Đây có lẽ là thách thức lớn với các chính sách kinh tế của bà trong chiến dịch tranh cử lần này.
Hiện tại: Người Mỹ đang vật lộn với bất bình đẳng thu nhập. Vấn đề này lớn hơn nhiều so với 8 năm trước. Giới chuyên gia cho rằng nhiệm vụ của bà Clinton sẽ là kết nối với tầng lớp bình dân
Bà đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chiến dịch nhỏ tuần này, nhằm có những cuộc trò chuyện trực tiếp với cử tri bình dân. Cách bà kết nối người Mỹ về các vấn đề như chênh lệch giàu nghèo, việc làm và lương tối thiểu có thể sẽ là điểm mấu chốt.
Bà từng cố gắng thuyết phục người Mỹ rằng mình đã ở vị trí của họ. Trong cuốn sách "Những sự lựa chọn khó khăn", bà cho biết hai vợ chồng "trắng tay" khi rời Nhà Trắng năm 2001. Bình luận trên được xem là chẳng giúp ích gì trong việc gần gũi hơn với người dân.
"Chuyện này thật khó tin. Tài sản của nhà Clinton khiến chẳng ai liên tưởng được tới việc không xu dính túi", Dean Baker – đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR) nói.
Theo VnExpress