Để có người kế nghiệp lưu giữ được 70% thành công của gia đình mất khoảng 20 năm quy hoạch, đào tạo…là “điều dễ hiểu”. Ảnh minh họa. |
Ths. Huỳnh Phước Nghĩa đã chia sẻ trong hội thảo: “Những bài học thực tế từ Doanh nghiệp Gia đình thời hội nhập” do Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu - GIBC kết hợp với LBC tổ chức rằng: để có người kế nghiệp lưu giữ được 70% thành công của gia đình mất khoảng 20 năm quy hoạch, đào tạo…là “điều dễ hiểu thôi”.
Vậy thế hệ kế nghiệp của các công ty gia đình ở Việt Nam đang được thế hệ sáng lập rèn giũa như thế nào?
Mặc dù không mang tính đại diện nhưng những chia sẻ của ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Gốm sứ Minh Long và bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty An Phước - Pierre Cardin sẽ hé lộ phần nào về hình bóng lãnh đạo công ty gia đình đời thứ 2 ở Việt Nam.
Không phải là ngọc thì không thể giũa thành ngọc!
Ông Lý Ngọc Minh - người được cho là may mắn khi có 4 người con đều được học hành bài bản, thành đạt và đang giúp ông phát triển công ty gia đình. Nhưng để có được điều đó, ông Minh đã làm gì?
Trước hết, theo ông Minh, để con noi theo, làm theo ông phải làm gương tốt trong mọi thứ chuyện muốn dạy con. Thêm vào đó, hiểu được tố chất, tính cách của mỗi người con là quan trọng để ông có thể khuyên và định hướng các ngành học cho các con.
Theo ông Minh, tố chất là trời sinh, “không phải ngọc thì không thể giũa thành ngọc”, nếu con ông không có tố chất lãnh đạo thì không thể “đưa lên” làm lãnh đạo được. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhấn mạnh, trong định hướng nghề nghiệp cho con cái ông chỉ gợi ý, dẫn dắt, không ép buộc con cái.
Khi con đã học thành tài, ông Minh từng nghĩ đến việc sau khi con tốt nghiệp sẽ đưa con đi làm việc nơi khác để học hỏi nhưng thời gian không cho phép ông làm vậy. Do đó, các con ông đã bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình từ “học việc” ở các bộ phận.
Bên cạnh đó, mấu chốt để “giữ chân” những người kế nghiệp tiềm năng là việc ông tạo điều kiện cho các con ông tìm thấy niềm vui khi làm việc cho gia đình. Ông Minh quan niệm, gia đình là một mái ấm nhỏ, công ty là một mái ấm lớn hơn. Vì vậy, nếu tạo điều kiện cho các thành viên trong công ty có gia đình hạnh phúc thì chắc chắn ít ai thích đi ra ngoài tìm công ty khác làm việc.
“Việc khuyên nhủ một nhân viên hay cả các con của mình ở lại làm việc cho công ty khi họ không tìm thấy niềm vui ở công ty là rất khó khăn. Ngay như các con tôi dù đã có định hướng đi chăng nữa nhưng nếu khi học xong trở về nước các con muốn làm việc ở bên ngoài công ty thì bậc làm cha mẹ cũng phải đồng ý thôi, đâu thể giữ lại làm cho mình được. Vì vậy, mình không cưỡng ép ai kể cả con mình”, ông Minh chia sẻ.
Các diễn giả tham gia tại buổi tọa đàm. |
Gây sức ép “không làm thì ai làm?”
Bà Nguyễn Thị Điền có 2 người con, 1 trai và 1 gái. Người con gái “may mắn” được tự do lựa chọn nghề học, trong khi người con trai lại được “bó buộc” chọn làm người kế nghiệp.
Bà Điền cho rằng, ai nuôi con cũng mong con đến ngày thành nhân. Sau khi con trai bà học xong cấp 3, bà quyết định luôn là để con trai học quản lý tiếp tục kế thừa, quản trị công ty. Lý do bà Điền trả lời khi con trai hỏi tại sao bà “không hỏi ý kiến” con bà trước rằng, cả tâm huyết, gia sản bà đã “bỏ” vào công ty, nếu con bà không quản lý thì ai quản lý sau này?!
Khi hoàn thành chương trình học, người kế nghiệp công ty An Phước tương lai làm việc ở bên ngoài công ty lấy kinh nghiệm một thời gian, sau đó tham gia quản trị công ty, rồi mới cùng với bố làm việc nâng cao kinh nghiệm ở An Phước.
Tuy nhiên để “kéo” được con về làm cho gia đình bà Điền “thương lượng” và “cân nhắc” với con về chi phí thuê nhân sự bên ngoài cho vị trí của con đảm nhận. Bà Điền cũng có nguyên tắc với người kế nghiệp rằng: “công việc là phải làm, không có tình thân ở đây”.
Bà Điền bộc bạch: “Tôi trả lương theo diện thực tập cho con và luôn động viên con trai làm vì gia đình lớn, cả nhà đều kỳ vọng vào cháu. Cháu cũng cố gắng nhiều và dần yêu nghề. Chúng tôi mướn thêm người ngoài tham gia quản lý công ty nhưng người nhà vẫn nắm quyết định chủ chốt.”
Bao giờ chuyển giao quyền lực thực sự?
Ông Lý Ngọc Minh cho biết, việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo công ty gia ở Việt Nam “không thể một sớm một chiều” để thế hệ đầu chuyển giao công việc hoàn toàn cho thế hệ kế tiếp - các con. Và mỗi gia đình có một đặc thù, không thể bắt chước ai trong chuyển giao quyền lực thực sự giữa các thế hệ.
Với Minh Long, ông Minh đang chuyển giao sản nghiệp dần dần, có lộ trình và có đánh giá, giám sát đầy đủ.
“Ai đã lập nghiệp đều muốn truyền đời. Lĩnh vực gốm sứ là lĩnh vực có tính đặc thù về tính lâu đời và đưa người ngoài gia đình vào nếu không có tố chất và yêu thích sẽ rất khó để truyền đời.”
Trong khi đó bà Điền cho biết, bà đang chuyển giao sản nghiệp từng mảng, từng phần, từng bước cho con. Bà sẽ tiếp tục lãnh đạo công ty ít nhất 5 năm nữa.
Theo BizLive