Người này đã bị bảo vệ đưa ra ngoài, sau khi tung vụn giấy vào Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Cuộc họp báo bị gián đoạn trong vài phút. Dù vậy, ông Draghi không bị thương. Trước khi bị tấn công, ông đang giải thích về tác dụng của chương trình nới lỏng ECB hiện áp dụng.
Đây là cuộc biểu tình lần thứ 2 phản đối ECB trong một tháng qua. Tháng trước, bạo loạn đã nổ ra bên ngoài trụ sở của ECB khi hàng nghìn người biểu tình cho rằng ECB đang phá hoại cuộc sống của hàng triệu người dân eurozone.
Chủ tịch ECB đã bị tấn công ngay đầu buổi họp. Ảnh: Bloomberg |
Ông Draghi đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để bảo vệ châu Âu khỏi khủng hoảng tài chính. Năm 2012, ông nổi tiếng với cam kết "làm tất cả" để ngăn đồng euro giảm sâu. Năm nay, ông cũng đã thuyết phục ECB thực hiện chương trình nới lỏng trị giá tới 1.300 tỷ USD.
Dù vậy, ECB cũng được biết đến nhờ những yêu cầu thắt lưng buộc bụng với các quốc gia thành viên, khiến hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn. ECB cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) tập hợp thành bộ ba chủ nợ (troika) để cứu trợ các nước như Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha. Các gói giải cứu chỉ được cấp nếu Chính phủ nước sở tại đáp ứng yêu cầu kiểm soát ngân sách, như giảm chi tiêu công và tăng thuế, đồng thời cải tổ để nền kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn.
Gần 7 năm sau khi khủng hoảng tài chính bùng phát, khó khăn kinh tế vẫn đang bủa vây châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại eurozone đang giảm, nhưng vẫn quanh 11%. Tăng trưởng cũng hồi phục, nhưng vẫn rất chậm. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại các nước như Tây Ban Nha hay Hy Lạp còn cao hơn nhiều.
Ông Draghi thừa nhận họ có thể trở thành "tâm điểm chỉ trích với những người bất mãn với tình trạng hiện tại". "Lời buộc tội này không có vẻ hợp lý. Chúng tôi chỉ muốn xoa dịu các cú sốc mà nền kinh tế đang phải chịu mà thôi", ông cho biết tại trụ sở mới tháng trước.
Theo VnExpress