Việt Nam là điểm đến của chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn cầu. Những giải pháp bền vững cho chuỗi giá trị dệt may. Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả ngành dệt may. Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may. Quản lý môi trường và tiếp cận chuỗi cung ứng bền vững. Chiến lược tìm nguồn cung ứng của các thương hiệu may mặc quốc tế tại Việt Nam... Đó là thông tin tại hội nghị quốc tế “Diễn đàn dệt may Việt Nam 2015”, do Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Điểm đến của chuỗi cung ứng
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ thông tin thị trường dệt may và cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất dệt may thế giới, phương thức liên kết các chuỗi cung ứng của các thương hiệu toàn cầu. Nhiều công ty dệt may lớn thế giới đang di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất của thị trường dệt may thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục có sự thay đổi lớn. Với lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư lớn.
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng liên tục
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, đến năm 2030, quy mô sản xuất hàng dệt may toàn thế giới sẽ mở rộng gấp đôi so với hiện nay. Doanh số đạt hơn 1.660 tỉ USD. Sản lượng của khu vực châu Á sẽ chiếm khoảng 60% sản lượng dệt may thế giới, quy mô sản xuất tại châu lục này cũng sẽ tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm hiện tại.
Đầu tư cho thiết kế và chuỗi cung ứng
Theo các chuyên gia, hiện ngành dệt may trong nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, điển hình là sự bị động về nguồn nguyên liệu và khâu thiết kế còn yếu. Để có được năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định và bền vững với những cơ hội sắp tới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác thiết kế và xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn thiện.
Khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các khâu trong chuỗi sản xuất như dệt nhuộm. Đồng thời, khai thác hết các tiềm năng của thị trường trong nước, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu tại một thị trường nhất định.
Nhằm đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ FTA, trong đó có TPP, Việt Nam cần tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu phụ trợ, để tận dụng được lợi thế của nhau...
Các chuyên gia cũng cho rằng cần phân tích chuyên sâu về tình hình dệt may Việt Nam, cũng như cung cấp thông tin về các xu thế mới trong chuỗi cung ứng dệt may quốc tế. Thông qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hiểu rõ hơn thị trường, phòng tránh rủi ro và tìm ra những cơ hội kinh doanh trong tình hình mới.
Bà Julia K.Hughes, Chủ tịch Hiệp hội Thời trang Mỹ, cho rằng nhiều công ty Mỹ mong muốn tìm nguồn cung ứng từ nhiều quốc gia tham gia hiệp định TPP khi hiệp định này có hiệu lực, trong đó Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu. Do đó các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2014 tăng trưởng 17% ở thị trường châu Âu, tăng 12,5% ở Mỹ, tăng 9% ở Nhật, tăng 27% ở Hàn Quốc. Sáu tháng đàu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 12,18 tỉ USD, tăng 10,26% so cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 28,5 tỉ USD. |
Theo NLĐ