Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản sẽ “bùng nổ” trong năm 2015 ?

Thứ sáu, 17/07/2015, 10:22
Những nhà đầu tư Nhật Bản đang trông chờ vào sự “bùng nổ” các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong năm 2015 khi một loạt rào cản về cơ chế trong đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ.

Nếu như những năm 2012-2013, nhiều thương vụ M&A đáng chú ý từ Nhật Bản được thực hiện và được giới quan sát đánh giá là làn sóng đầu tư từ Nhật Bản. Thì năm 2014, những đợt sóng mạnh từ Thái Lan lại gây chú ý. Liệu làn sóng M&A từ Nhật Bản có tái hiện trong năm nay?

Năm 2015 thị trường đã chứng khiến thương vụ M&A “đình đám” đầu tiên đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản khi Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đầu tư vào Citimart và Fivimart… Tuy nhiên, đây mới là thương vụ đầu tiên được “công khai danh tính”. Ngoài ra, đã có khá nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang “dòm ngó” thị trường Việt Nam…

Ông Masataka Yoshida – Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Công ty tư vấn Recof (Nhật Bản) cho biết, năm 2013 đã có khoảng 20 thương vụ của doanh nghiệp Nhật Bản và 6 tháng đầu năm nay đã có những động thái, tín hiệu tốt từ doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản trong năm nay. Riêng 6 tháng năm nay đã có 12 thương vụ đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam. Đặc biệt, hầu hết các thương vụ sẽ được hoàn thành, thực hiện trong nửa cuối năm.

Cho đến nay đầu tư của Nhật Bản tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên sắp tới sẽ có nhiều hơn công ty cỡ vừa, cỡ nhỏ đầu tư ở các thành phố khác như Đà Nẵng.

Nhà đầu tư Nhật Bản vẫn coi Việt Nam là "tầm ngắm" trong chiến lược đầu tư của mình

Đại siêu thị thứ 2 của Aeon mall tại Bình Dương

Cũng theo ông Yoshida, 7 lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm “đổ” vốn vào thị trường Việt Nam, gồm: bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân (tài chính tiêu dùng), du lịch, tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử và logistic…

“Sẽ có nhiều khó khăn trong việc đầu tư tại Việt Nam nhưng Nhật Bản sẽ vượt qua được những rào cản này để đạt được thành công trong thời gian tới. Dự kiến năm nay sẽ có thêm nhiều thương vụ được hoàn thành, chủ yếu vào cuối năm. Tôi tin kết quả có thể vượt kỷ lục đạt được trong năm 2013” – ông Yoshida tự tin.

Ngoài chờ đợi sự “bùng nổ” từ các thương hiệu M&A đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, đánh giá về thị trường M&A năm 2015, bản báo cáo của AVM Việt Nam đưa ra bức tranh khá “sáng” khi Việt nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn để các tập đoàn đa quốc gia tiếp cận, khai thác.

Hoạt động mua  bán – sáp nhập (M&A) năm 2014 tăng 15% so với năm 2013, giá trị ước tính đạt 4,2 tỷ USD. Giá trị trung bình mỗi thương vụ đạt 11 triệu USD, tăng so với mức 5-8 triệu USD cách đây 3 năm. Các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài, điều này được giải thích bởi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn và mục tiêu của họ là các công ty có quy mô tương đối lớn, từ 20 đến 100 triệu USD.

Ông Đặng Xuân Minh – Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang trong làn sóng M&A thứ hai sẽ đạt được đỉnh mới, cao hơn so với kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.

Ngoài ra, triển vọng M&A cũng sẽ được đẩy mạnh bởi một số hiệp định thương mại quốc tế khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng lên, cùng với những nỗ lực của Chính phủ về mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình cổ phần hóa trong 5 năm, với kế hoạch cổ phần hóa thêm khoảng 400 doanh nghiệp Nhà nước, ngoài 289 doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất năm 2015.

Trong đó, có 22 tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc những ngành đáng quan tâm như sản xuất thuốc lá, cafe, cao su, giấy, xi măng... Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.

Tuy nhiên, “sóng” M&A tại thị trường Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức nhất định, như sự cạnh tranh thu hút vốn trong các nước ASEAN. Chất lượng nguồn vung hiện nay chưa cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó thu hút các nhà đầu tư…

Diễn đàn M&A năm 2015 sẽ được tổ chức vào ngày 6/8 tới tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Chờ đợi sự bùng nổ” sẽ tập trung đi tìm lời giải nhiều nội dung quan trọng, như: Thị trường M&A Việt Nam sẽ như thế nào trong một không gian phát triển mới trên nền tảng thực thi các chính sách mới và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới ?

Liệu có một dòng vốn mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, châu Âu cho Việt Nam thông qua các hoạt động M&A trong thời gian tới ? Đâu là những hàng hóa chất lượng cho các nhà đầu tư quốc tế khi chương trình cổ phần hóa khi Nhà nước quyết định mở room và mạnh dạn thoái vốn tại những ngành mới như cảng biển, cảng hàng không, những công ty Nhà nước có quy mô lớn ? Làm thế nào để thu hút vốn, sử dụng tối ưu nguồn lực cho các thương vụ M&A mới ?...

Theo Infonet

Các tin cũ hơn