Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại họp báo. |
Từ ngày 12/11 đến ngày 12/12 tại Trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội- Mátxcơva, thành phố Mátxcơva, Liên bang Nga sẽ diễn ra Hội chợ- bán hàng "Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015".
Tham gia hội chợ có các doanh nghiệp từ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Nga, doanh nghiệp của Nga và các nước Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) đang kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng tham gia trưng bày gồm: dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, đồ gỗ nội thất, thiết bị vệ sinh...
Các doanh nghiệp được tài trợ một phần kinh phí tổ chức, xây dựng gian hàng; giảm 50% giá vé máy bay; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, thiết bị tham gia hội chợ; miễn phí 100% tiền thuê mặt bằng, giảm 50% phí lưu trú; 100% chi phí truyền thông quảng bá; hỗ trợ thủ tục xin visa, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ thủ tục vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, các chuyên gia Nga sẽ trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp Việt cách thức làm việc tại Nga, tìm hiểu và phát triển thị trường Nga, thói quen, tập quán kinh doanh, tiêu dùng của người Nga.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu đạt 3,5 tỷ USD và Chính phủ hai nước đang hướng tới đạt 10 tỷ USD.
Trong khi đó, TS Nguyễn Chí Tâm, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công thương), nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga nhận định: Việc bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt cũng như Nga tiến hành các biện pháp trả đũa khiến nước Nga phải đương đầu với nhiều khó khăn về kinh tế để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng trong nước. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nga để tăng trưởng xuất khẩu.
Đặc biệt, Việt Nam vừa ký kết Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu. Vì thế, việc tổ chức hội chợ lần này là cơ hội để đưa hàng Việt Nam vào thử nghiệm, khảo sát thị trường, đặc biệt lựa chọn khách hàng để chuẩn bị khi hiệp định có hiệu lực thì triển khai các hợp đồng thương mại cụ thể, tranh thủ những ưu đãi về thuế, nhất là với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Doanh nghiệp Hà Nội "điềm đạm" hơn TP.HCM
Dự kiến, TP.HCM sẽ kêu gọi khoảng 10 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tham gia hội chợ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết.
Cho đến nay, TP.HCM đã tổ chức hai buổi gặp gỡ với khoảng 100 doanh nghiệp để mời gọi tham gia cơ hội tiếp cận, mở rộng mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Nga. Các doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến muốn tìm hiểu nhu cầu của thị trường Nga để có định hướng, chuẩn bị hàng hóa tiếp cận thị trường.
"Việc tổ chức kêu gọi doanh nghiệp vẫn đang được triển khai. Từ nay đến khi tổ chức hội chợ không còn nhiều thời gian, còn nhiều công việc chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo cho doanh nghiệp, từ visa, đóng kiện, vận chuyển hàng hóa, chừng nào hàng hóa của doanh nghiệp lên tàu được chúng tôi mới yên tâm".
So sánh về tính năng động của doanh nghiệp TP.HCM và Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Hà Nội điềm đạm, thận trọng, cân nhắc hơn TP.HCM nên cần phải có chiến lược, chương trình, kế hoạch tuyên truyền để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội thâm nhập vào thị trường Nga.
"Chúng tôi đang khẩn trương triển khai chương trình chuẩn bị. Trung tâm đã có một loạt cuộc làm việc và thông báo với một số hiệp hội chính trên địa bàn TP cũng như đại diện của Trung tâm Hà Nội tại Mátxcơva để nắm bắt thông tin, tìm hiểu cơ chế hỗ trợ nhằm phổ biến cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng chuẩn bị đưa chương trình lên các trang web Trung tâm đang quản lý để thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Dự kiến ngày 23/7 sẽ tổ chức giới thiệu hội chợ tới hơn 200 doanh nghiệp của Hà Nội. Hà Nội sẽ trình các phương án với UBND TP để có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp", bà Mai Anh cho biết.
Theo Báo Đất Việt