So với mức giá kỷ lục 25.640 đồng/lít tại thời điểm ngày 7/7, đến nay, sau 8 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, xăng RON 92 và 95 đã giảm tới 3.300 đồng/lít, dầu diesel giảm 3.060 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.890 đồng/lít... Mức giảm các mặt hàng xăng dầu tương ứng khoảng trên dưới 13%.
Tại Hà Nội, Taxi Group đã công bố giảm giá cước 300 đồng/km cho 30 km đầu tiên kể từ ngày 7/10, sau 6 lần xăng dầu điều chỉnh giảm giá liên tiếp. Trước đó, vào tháng 4/2014, khi giá xăng dầu ở trong trạng thái tăng “nóng” liên tục, một số đơn vị như Taxi Group, Taxi Mai Linh ngay lập tức điều chỉnh tăng giá cước, với mức tăng 500 - 1.000 đồng/km.
Như vậy, tính đến nay, sau 8 lần giá xăng giảm liên tiếp, cước taxi chỉ được điều chỉnh giảm khá nhẹ. Theo ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, mức giảm giá xăng 3.300 đồng/lít như vừa qua tương ứng với khoảng 12,7%. Trong khi đó, xăng dầu chiếm 40%-50% chi phí vận tải nên mức giảm cước taxi tương ứng có thể là hơn 6%. Như vậy, giá cước có thể giảm được 600 - 1.000 đồng/km.
“Nhưng giá vận tải không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu được vì các quy định khá phức tạp, mất thời gian bởi phải đăng ký giá, cài đặt lại đồng hồ, tốn kém rất lớn”, ông Thanh lý giải. Theo ông, nên để cho các doanh nghiệp (DN) vận tải tự tính toán giảm giá bởi hiện nay, thị trường này cạnh tranh rất lớn, nếu DN giữ giá cao thì sẽ mất khách.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết sau đợt tăng giá cước taxi từ tháng 6/2013 với mức chung 500 đồng/km, đến tháng 4/2014, sau một thời gian dài giá xăng được điều chỉnh tăng thì mới có một số DN tăng giá cước. “Ngoài một số DN tăng giá cước thì vẫn còn nhóm khá đông DN giữ giá 12.000 đồng/km kể từ tháng 6/2013. Thời điểm đó, giá xăng tương đương hiện nay. Nhóm này giữ nguyên giá cước là hợp lý bởi khi giá xăng tăng hay giảm, họ đều không điều chỉnh cước. Giá xăng hiện nay cũng chỉ đủ bù vào thời điểm tăng trước đây”, ông phân tích.
Ngoài ra, theo ông Bình, quy trình điều chỉnh giá cước taxi tương đối phức tạp và tốn kém đối với DN. “DN phải làm các thủ tục để đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, phải chạy đi chạy lại mất đến vài tuần lễ. Khi nào cơ quan quản lý giá cước chấp thuận, DN mới được điều chỉnh. Sau đó, phải tới một đơn vị điều chỉnh đồng hồ cho từng xe bằng phần mềm, phá bỏ kẹp chì cũ, tem cũ. Sau khi điều chỉnh xong, phải tới cơ quan quản lý về đo lường nhà nước kiểm định lại, dán tem mới được lưu hành. Đồng thời, DN cũng phải in lại toàn bộ bảng giá cước và thông báo cho toàn bộ khách hàng về việc điều chỉnh giá”, ông Bình dẫn ra quy trình điều chỉnh cước đối với các DN taxi.
Đáng lưu ý, chi phí điều chỉnh giá cước taxi lên tới 500.000 đến 1 triệu đồng/xe, trong khi giá xăng được điều chỉnh tăng giảm chỉ trong 10 ngày nên việc điều chỉnh đồng nghĩa với thiệt hại về tài chính của DN.
Đối với các DN vận tải chở hàng hóa, theo ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc công ty TNHH Vận tải Đại Duy (Nam Định), việc giảm giá cước càng khó khăn hơn. Nguyên nhân là do yêu cầu siết tải trọng khiến chi phí của DN bị đội lên quá lớn. Trong khi đó, DN buộc phải chịu lỗ, không dám tăng giá tại những đợt tăng giá xăng đầu năm 2014.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thừa nhận việc điều chỉnh cước vận tải cần có độ trễ nhất định do tính đặc thù. “Tuy vậy, độ trễ trong khoảng 1 tháng là vừa, không nên lâu hơn. Nếu quá 1 tháng mà không có dấu hiệu giảm cước thì các DN, người dân... cần phải có ý kiến nhằm tạo điều kiện giảm giá hàng hóa, dù mức giảm không nhiều”, ông Phú để xuất.
Ông Vũ Vinh Phú cho biết, giá hàng hóa trong các hệ thống siêu thị Hà Nội vẫn giữ ở mức ổn định, không có dấu hiệu giảm. Thậm chí, giá một số loại rau củ vào cuối mùa còn tăng lên chút ít.
Theo đại diện một siêu thị trên đường Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), giá hàng hóa trong tháng 10/2014 có giảm nhẹ. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không có nguyên nhân từ giảm giá xăng giảm mà do các DN xả hàng cuối vụ hè hoặc để thu hút khách hàng trong dịp khai giảng năm học, ngày lễ (Quốc khánh 2/9, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10...).
Theo nhiều siêu thị, giá xăng dầu giảm đã giúp DN tiết kiệm được một khoản chi phí. Song, hầu như các DN không giảm giá niêm yết trên sản phẩm mà chỉ thực hiện các đợt giảm giá nhẹ.
“Việc điều chỉnh giá cả sản phẩm niêm yết của DN cũng khá phức tạp vì còn phải thỏa thuận với siêu thị tiêu thụ hàng, thay đổi hợp đồng, in ấn lại... Vì thế, DN không giảm giá cước mà chỉ thực hiện các ưu đãi trực tiếp. Hơn nữa, siêu thị đã thỏa thuận với DN giữ giá hàng hóa ổn định nếu giá xăng biến động trong thời gian ngắn nên ưu đãi giá trực tiếp từng thời điểm sẽ thuận lợi hơn. Giá hàng hóa tăng trở lại thì DN không mất công điều chỉnh mà chỉ cần rút lại các chương trình ưu đãi”, vị đại diện nêu trên phân tích.
Theo khảo sát của phóng viên ngày 25/10, giá cả nhiều mặt hàng tại các siêu thị cũng như chợ dân sinh khá ổn định. Tuy nhiên, một số rau quả vụ hè vào cuối mùa nên giá tăng lên. Đơn cử, tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), rau muống tăng từ 9.000 đồng lên 11.000 đồng/mớ, chanh đào từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/kg... Thịt heo nạc thăn, nạc mông và sườn giữ giá 95.000 - 110.000 đồng/kg; thịt bò 240.000 đồng/kg - giảm nhẹ khoảng 5.000 đồng; cá chép 70.000 - 80.000 đồng/kg; cá rô phi 55.000 - 60.000 đồng/kg tùy trọng lượng...
Khi được hỏi tại sao không giảm giá hàng hóa khi xăng dầu đã giảm khá mạnh, bà Nguyễn Thị Lan, bán trái cây tại một chợ dân sinh, cho biết do đầu mối giao hàng báo giá vẫn ở mức cũ. Theo bà, cước vận tải vẫn không giảm, lại còn bị siết tải trọng thì dù giá xăng giảm vài ngàn đồng cũng chưa thể giảm giá vận tải được. “Vận chuyển trái cây trong khu lân cận còn dễ, nếu chuyển từ trong Nam ra Bắc hay ngược lại thì chi phí vẫn cao, giá chỉ ổn định hoặc rập rình tăng chứ không giảm được”, bà Lan khẳng định.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cước vận tải chiếm 12% trong giá thành hàng hóa, đây là mức không quá lớn để khi giá xăng điều chỉnh thì có thể tác động ngay lên giá hàng hóa. Trong khi đó, giá xăng chiếm đến một nửa cước vận tải, mà cước này không giảm thì giá hàng hóa không giảm được. “Vấn đề giá nằm ở hệ thống phân phối và yếu tố cung cầu. Nếu hệ thống phân phối hàng hóa vẫn còn nhiều tầng nấc thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng còn đội lên khoảng 20%-30%, thậm chí nhiều hơn. Giá hàng hóa còn do nguồn cung, thời tiết, mùa vụ, thị hiếu... quyết định, không chỉ do giá xăng”, ông Phú nhìn nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 10 tháng qua đã tăng 2,36% so với tháng 12/2013 và CPI bình quân 10 tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, cho rằng chỉ số CPI tháng 10 đã được duy trì ở mức khá ổn định nhờ các yếu tố, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu sau 3 đợt điều chỉnh giảm (ngày 19/9, 30/9 và 13/10 với tổng cộng xăng giảm 820 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.530 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.420 đồng/lít) đã góp phần giúp chỉ số giá xăng dầu giảm 2,19% và chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,45% so với tháng trước.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, ngoài những mặt hàng như xăng dầu, điện hiện vẫn do nhà nước định giá và giám sát theo hướng, tăng giảm phải có ý kiến của liên bộ, thì hầu hết các sản phẩm hàng hóa trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường.
“Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, cần giảm ắt sẽ giảm. Ngoài ra, một loạt vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường, như: hàng tồn kho, các nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu khác ngoài xăng dầu, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... Tất cả yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hóa biến động theo chiều hướng tăng”, ông Quyền nhận xét.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng phải bỏ tâm lý té nước theo mưa. “Tình trạng khi giá xăng dầu tăng thì giá hàng hóa tăng theo, còn khi giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa đứng yên có nguyên nhân từ một bộ phận tiểu thương lợi dụng biến động giá để té nước theo mưa. Cần có biện pháp quản lý các khâu trung gian bán lẻ bởi các khâu này chiếm đến hàng chục phần trăm giá thành sản phẩm mà chưa có quy định nào buộc họ phải tăng hay giảm giá. Chỉ cần mỗi khâu tăng một chút thì gánh nặng với giá hàng hóa đã tăng lên đáng kể”, ông Thắng đánh giá.
Theo Nguoilaodong