Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải lâu nay vẫn ở mức khoảng 40 - 45% đối với xe chạy dầu, và 45 - 50% đối với xe chạy xăng. Vì thế, khi có biến động về giá nhiên liệu sẽ có những điều chỉnh về giá cước. Nhiên liệu tăng, giảm bao nhiêu phần trăm thì cứ “cưa đôi” số đó để điều chỉnh giá cước.
Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu (XD) đã giảm nhiều lần, nhưng biên độ giảm chỉ vài ba phần trăm (dạng nhỏ giọt) nên việc điều chỉnh rất khó. Thực tế, bao giờ giá cước vận tải cũng phải có độ trễ nhất định, kể cả khi tăng hay khi giảm.
Ông Thanh nói rằng, giá XD giảm doanh nghiệp vận tải cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, các thủ tục để điều chỉnh cũng phức tạp, và có thể các doanh nghiệp còn phải nghe ngóng, nên cước vận tải chưa điều chỉnh ngay được. Hiện vận tải hàng hoá đang thương thảo với khách hàng về giá, còn các doanh nghiệp vận tải hành khách đang tính toán.
Khó khăn nhất vẫn là vận tải taxi cần tính toán giảm và giảm bao nhiêu cho hợp lý, vì giảm giá phải chi phí rất nhiều, như in lại giá vé, chỉnh và kẹp lại chì đồng hồ, rồi xin phép cơ quan thuế… Do vậy, cần phải có biên độ tăng giảm kéo dài thì doanh nghiệp vận tải mới có thể xoay sở được.
|
Biểu đồ giảm giá xăng A92 từ tháng 7 đến tháng 10.2014. Đồ họa: TKTS. |
Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM, cho rằng các đợt tăng giá XD, thường thì với mức tăng 5%, các doanh nghiệp mới điều chỉnh tăng giá cước vận tải. Do vậy, việc điều chỉnh giá giảm khi giá XD giảm cũng áp dụng tương ứng.
Trong các đợt giảm giá XD gần đây, mức giảm ở mỗi đợt chỉ trong khoảng 1% và gần đây nhất là ngày 13/10 giảm ở mức 2%, nên việc có điều chỉnh giá cước vận tải hay không sẽ do các doanh nghiệp chủ động thương thảo, giảm giá. Những doanh nghiệp nào tự thấy các đợt XD giảm giá gần đây mà chưa giảm, nay tổng mức giảm giá XD các đợt đã ở mức 5% thì sẽ điều chỉnh giảm.
Giá cước không giảm đã là lý do để các mặt hàng kiên quyết “giữ giá”. Khảo sát của PV cho thấy, hệ thống các siêu thị cũng như các đơn vị SX, KD hàng hóa đều cho biết: Chưa có động thái giảm giá hàng hóa theo XD trong vòng 1 tuần tới.
Theo bộ phận thu mua của các siêu thị tại TP.HCM, giá các sản phẩm bày bán tại siêu thị nếu tăng - giảm đều phải dựa vào bảng thông báo điều chỉnh giá hàng hóa của các nhà cung cấp. Trong vòng 10 - 15 ngày mới áp dụng mức giá mới. Tuy nhiên, hiện nay các siêu thị chưa nhận được các thông báo giảm giá của các nhà cung cấp nên trong vòng 1-2 tuần tới sẽ không có sự thay đổi giá đáng kể.
Khảo sát tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ đầu mối nông sản ở TP.HCM cũng cho thấy, chưa có xu hướng giá hàng hóa giảm theo giá XD. Chị Nguyễn Thanh Tuyền - tiểu thương kinh doanh gạo ở quận 11, cho biết: “Gần đây, giá XD giảm nhiều đợt, nhưng tôi thấy giá cước vận tải hàng hóa vẫn đứng yên, không giảm. Trong khi đó, trước đây, ở những đợt giá XD tăng, thì khoảng 1 tuần sau đó, cước vận tải hàng thường tăng thêm 50.000 - 100.000 đồng/chuyến”.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết: Xăng giảm giá thì sẽ tác động ngay lập tức đến giá thành vận chuyển hàng hoá. Nhưng qua 7 lần giảm giá XD, giá các loại hàng hoá vẫn chưa giảm. Còn các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu khác, do sức mua thấp, nên đang có tâm lý nếu giảm giá thì càng khó có lợi nhuận, nên nhiều tiểu thương vẫn giữ giá bán ở mức cao. Tôi cũng đi mua sắm ở các siêu thị, chợ thì chẳng thấy mặt hàng nào giảm, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng.. “Giá XD giảm sâu mà cước vận tải cùng giá dịch vụ và hàng hóa tiêu dùng không giảm theo tương ứng sẽ làm cho người tiêu dùng bị thiệt thòi lớn”, ông Phú nói.
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Mặc dù giá xăng đã 7 lần giảm giá liên tục, nhưng xăng cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu, chiếm 0,17% trong rổ tính chỉ số CPI. Vì vậy, nhiều hàng hoá trên thị trường vẫn chưa thể giảm sâu, dù nhìn vào thực tế, xăng dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.
Ngoài đầu vào là xăng, điện nhà nước vẫn đang giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của liên bộ, thì hiện hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Các vấn đề khác cũng tác động đến thị trường không nhỏ là vấn đề hàng tồn kho, các nhiên-nguyên-vật liệu khác ngoài xăng, rồi lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng, nhưng xu hướng chung là tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm.