Cảnh báo vỡ nợ vì bán cá sấu giá cao cho Trung Quốc

Chủ nhật, 12/10/2014, 07:19
Hai năm trở lại đây, các thương lái Trung Quốc (TQ) bắt đầu gom mua cá sấu với giá rất cao. Hoa mắt trước lợi nhuận, nhiều hộ nông dân đổ xô nuôi.

Đổ xô nuôi cá sấu...

TP.HCM là địa phương nuôi cá sấu trọng điểm của cả nước, hàng ngàn con cá sấu được xuất chuồng mỗi năm, đưa lại lợi ích kinh tế cao. Lấy nguồn giống từ TP.HCM, nhiều nông dân, doanh nghiệp các tỉnh thành phía Nam bắt đầu nuôi cá sấu và hình thành những trang trại nuôi lớn nhất nhì cả nước.

Theo tìm hiểu, giá bán cá sấu hai năm về trước vào khoảng 60.000 đồng/kg. Nhưng hai năm trở lại đây, các thương lái TQ bắt đầu thu gom số lượng lớn với giá mua kỷ lục từ 230.000 – 295.000 đồng/kg cá sấu sống. Như vậy, mỗi con cá sấu xuất chuồng có trọng lượng khoảng 25kg sẽ bán được 6- 8 triệu đồng.

Lượng cá sấu sẽ tồn đọng lớn nếu đổ xô vào nuôi với số lượng lớn như hiện nay.

Lượng cá sấu sẽ tồn đọng lớn nếu đổ xô vào nuôi với số lượng lớn như hiện nay.

Theo lãnh đạo Hợp tác xã cá sấu giống Nam Bộ, đơn vị cung ứng cá sấu giống cho hầu hết các trang trại nuôi cá sấu tại các tỉnh phía Nam, mỗi năm hợp tác xã bán hàng ngàn cá sấu giống. Lượng cá sấu giống bán ra trong khoảng hơn một năm nay tăng cao, do nhiều người nuôi hơn.

Cá sấu giống cũng được giá do các thương lái thu gom với số lượng lớn. Các địa phương tại TP.HCM nuôi nhiều phải kể đến là quận 12, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh. Trong số đó có cả doanh nghiệp lớn và cả những hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ.

Nếu như trước đây, việc nuôi cá sấu là một lựa chọn của một số ít người thì nay, các nông dân tại nhiều địa phương bắt đầu xây dựng chuồng trại để nuôi. Tại các trang trại ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ... có hàng ngàn con cá sấu được nuôi.

Vì lợi ích kinh tế quá cao, lại có thương lái đến thu gom trực tiếp nên nhiều hộ dân đã đổ xô nuôi bán. Cá sấu dễ nuôi, ít bệnh tật và là loài được mệnh danh mang lại lợi nhuận theo kiểu “một vốn... mười lời”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu thấy được giá mà đổ xô nuôi sẽ dẫn đến việc thừa cung nhưng thiếu cầu. Các thương lái TQ khi cảm thấy nguồn cung đã dồi dào sẽ hạ giá mua, nguồn lợi từ cá sấu sẽ không còn cao nữa. Thậm chí, một khi các thương lái TQ không mặn mà nhập hàng, thì chắc chắn người nuôi sẽ ôm nợ.

Theo ghi nhận của PV, cá sấu không phải là mặt hàng duy nhất mà các thương lái TQ đặt mua với số lượng lớn, giá thu mua cao. Trước đây, hàng loạt các mặt hàng khác từ nông sản, các loại cây thuốc, thậm chí là lá cây điều... cũng được thu gom. Nhiều người vì ham lợi trước mắt nên đổ xô nuôi trồng, gom bán mà không cần có một hợp đồng đặt mua hay cam kết nào.

Đến khi thương lái TQ không cần nữa, chắc chắn hàng chục nhà thu gom trong nước phải ôm hàng “chịu chết”. Việc chỉ xuất khẩu hàng hoá cho một thị trường dễ xảy ra rủi ro khi thị trường đó không cần hàng nữa, dẫn đến hàng ứ đọng. Lúc đó người nuôi trồng và thương lái trong nước sẽ chịu thiệt, thậm chí phá sản do không bán được hàng.

... Để ôm nợ?

Ông Doãn Huy Trinh (quận 12, TP.HCM), một thương lái mua cá sấu chuyên xuất sang TQ cho biết: “Không kể là cá sấu lớn hay nhỏ, các thương lái TQ đều gom hết. Khoảng năm 2012, giá cá sấu dao động trong khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg, đến nay giá cá sấu loại 8 – 30kg có giá bán tăng gấp gần hai lần, ở mức khoảng 230.000 – 295.000 đồng/kg tùy loại.

Cá sấu lớn (8 -35kg) được TQ mua để xẻ thịt hoặc lấy da, riêng loại 1 – 2kg được mua để mang về nuôi tại đảo Hải Nam làm giống. Hiện nguồn lợi từ cá sấu là rất lớn, rất được giá nên nhiều người tập trung nuôi. Vì TQ thu gom với số lượng lớn nên ở nước ta hiện rất khan hàng.

Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã nuôi mới hoặc mở rộng quy mô chuồng trại. Trong thời gian tới sẽ cho xuất trại đồng loạt một lượng lớn cá sấu, lượng cá sấu này được nuôi từ khoảng gần hai năm trước, khi thương lái TQ bắt đầu mua với giá cao”.

Theo một chủ doanh nghiệp chuyên nuôi, gia công các mặt hàng từ da cá sấu phía Nam cho biết, tính từ năm 1990 trở lại đây, giá cá sấu ít nhất 5 lần tăng, giảm tùy thời điểm. Thời điểm cao nhất, một con cá sấu sống có khi lên tới cả cây vàng (thời điểm năm 1990), nhưng có khi rớt xuống thê thảm chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg. Qua nhiều lần tăng giảm như thế, không ít người nuôi phá sản hoặc ôm nợ.

Thực tế, thị trường cá sấu chưa khi nào ổn định được trong một thời gian dài. Do đó, nếu không nắm bắt được hướng đi của giá cả, người nuôi rất dễ bị lỗ. Nếu lượng cung quá nhiều, nhưng chủ yếu xuất sang TQ mà không bán cho các doanh nghiệp gia công da cá sấu, hay doanh nghiệp chế biến thịt cá sấu trong nước để cân bằng thị trường, sớm hay muộn giá cá sấu cũng sẽ giảm.

Bài học đổ xô nuôi cá sấu ở tỉnh Cà Mau trước đây vẫn còn treo lơ lửng, nhưng nhiều người vì thấy lợi trước mắt, đầu tư nuôi chỉ với một mục đích duy nhất là bán cho thương lái TQ, rất dễ dẫn đến nguy cơ ôm nợ.

Trước đây, tại Cà Mau, hàng ngàn con cá sấu đã chết do dịch bệnh, hàng ngàn con khác dù đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng không bán được, vì không được giá hoặc không có người mua. Việc nuôi cá sấu theo kiểu tự phát, không đăng ký với cơ quan chức năng, không am hiểu khoa học kỹ thuật nuôi... có thể sẽ đẩy nông dân vào vòng nợ nần.

Một người dân đang chăm sóc cá sấu.

Một người dân đang chăm sóc cá sấu.

Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại nuôi và gia công các sản phẩm từ da cá sấu tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, nuôi cá sấu đang trở thành phong trào, nhất là gần đây cá sấu thương phẩm trên thị trường có giá trở lại khiến người dân ồ ạt đầu tư, chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi khác sang nuôi cá sấu.

Việc người dân đổ xô nuôi cá sấu, một mặt cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình này, nhưng đồng thời cũng là một dấu hiệu cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khó lường. Thị trường cá sấu hiện phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái TQ. Người dân nuôi ồ ạt khiến nguồn cung dư thừa sẽ bị thương lái ép giá.

Nếu không có chiến lược đầu tư, tìm đầu ra bền vững thì thời gian tới rất dễ ế lượng khủng cá sấu đến kỳ xuất chuồng. Người nuôi có nguy cơ đối mặt với nợ nần, khủng hoảng mà chẳng biết kêu ai”.

Thận trọng khi quyết định nuôi cá sấu

Ông Lâm Tùng Quế, Giám đốc trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM (chi cục Kiểm lâm – sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết: “Nếu thấy cá sấu được giá mà đổ xô vào nuôi sẽ dẫn đến nhiều bất lợi. Trước mắt có thể thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhưng về lâu dài khi nguồn cung lớn sẽ khiến giá cá sấu giảm xuống. Lúc đó, những hộ nuôi hoặc các cơ sở nuôi không cạnh tranh nổi sẽ khó tồn tại. Chi phí để đầu tư nuôi cá sấu là rất lớn, do đó cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư nuôi, bởi một khi giá cá sấu giảm thì thiệt hại sẽ rất lớn”.

Theo ĐS&PL

Các tin cũ hơn