“Lộ” đường dây chuyển hàng xách tay nhập lậu

Thứ bảy, 11/10/2014, 09:36
Sự việc bắt đầu từ việc nhân viên an ninh hàng không sân bay Nội Bài phát hiện có đối tượng không phải là hành khách đi máy bay, nhưng lại lọt vào được khu vực cách ly quốc tế đến sảnh A của sân bay Nội Bài rồi ung dung vào khu vực băng chuyền đẩy ra 4 kiện hành lý, và đã làm xong thủ tục hải quan ra tới khu vực công cộng bên ngoài của sân thì bị bắt giữ.

Có việc tiếp tay ?

Theo quy định của ngành hàng không, chỉ có hành khách xuống máy bay mới được vào khu vực cách ly quốc tế đến ở sân bay và đưa hành lý ra bên ngoài sau khi làm thủ tục soi khám hải quan. Nhưng thực tế không như vậy, trong số hành khách từ chuyến bay SU 290 chặng bay MOSCOW-HAN hạ cánh lúc 8h06 ngày 1/10/2014 đang lấy hành lý từ khu vực băng chuyền tại khu vực cách ly quốc tế đến sảnh A, các nhân viên an ninh hàng không sân bay Nội Bài phát hiện có đối tượng không phải là hành khách đi máy bay nhưng lại đẩy 4 kiện hành lý ra bên ngoài khu vực hải quan và soi chiếu.

Mặc dù không phải là hành lý của chính hành khách đi máy bay, nhưng nhân viên hải quan vẫn làm thủ tục kiểm tra 4 kiện hàng. Sau khi Hải quan soi chiếu xong, chờ cho đối tượng xếp 4 kiện hàng lên xe đẩy thì lực lượng an ninh hàng không xuất hiện, yêu cầu đưa cả người và 4 kiện hàng về phòng cơ động để kiểm tra.

Đối tượng vi phạm là Mai Anh Tuấn, thường trú tại ngõ Văn Hương, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Để lọt vào được khu vực cách ly quốc tế đến sảnh A sân bay Nội Bài, Mai Anh Tuấn đã sử dụng thẻ mang số hiệu HAN 065291 để vào đón khách. Đây là loại thẻ đón khách sử dụng một lần do cảng vụ Hàng không miền Bắc cấp, nhưng đối tượng để được cấp loại thẻ này không phải ai cũng được cấp một cách tùy tiện, và đối tượng Mai Anh Tuấn không thuộc diện được cấp loại thẻ này để vào đón khách và lấy hành lý ra ngoài như hành khách xuống máy bay như đã nêu.

Đường dây vận chuyển hàng “xách tay”?

4 kiện hành lý được Mai Anh Tuấn lấy từ bên trong khu vực cách ly quốc tế đến sảnh A rồi đẩy ra ngoài nặng 96kg, gồm 2 kiện hàng mang tên hành khách Nguyễn Hữu Viêm có số thẻ hành lý SU 811846 và 811848 cùng 2 kiện hành lý mang tên Đỗ Lê Hùng mang số thẻ 811859 và 811862 đều là hàng hóa được chuyển xuống từ chuyến bay SU 290. Quá trình làm thủ tục kiểm tra, chủ nhân của lô hàng không hề xuất hiện.

Theo trình bày của Mai Anh Tuấn, lý do mà đối tượng này đẩy 4 kiện hàng từ trong khu cách ly ra ngoài là do hai hành khách mang tên chủ 4 kiện hàng nêu trên đều là anh của Mai Anh Tuấn, đang có bố mẹ nằm viện nên về sớm và nhờ Mai Anh Tuấn… mang đẩy hộ ra ngoài (?)

Mở kiểm tra bên trong 4 kiện hàng nêu trên, lực lượng chức năng của sân bay Nội Bài đã phát hiện các kiện hàng này chứa hàng loạt hàng hóa mỹ phẩm ngoại mang thương hiệu ZIALA; ELSENBERG; SISLEY; CHANEL cùng 6kg nhãn hiệu BOBONI… cùng sữa hộp ngoại mang các nhãn hiệu NAN; HIPP; FOHNSONS; ENSURE, BEBILON; NETLE JUNIOR… Theo lời khai của đối tượng Mai Anh Tuấn, cả hai “ông anh” Nguyễn Hữu Viêm và Đỗ Lê Hùng có tên trên 4 kiện hàng đã được triệu tập lại và đều xác nhận đó là hàng không khai báo hải quan. Vậy mà nhân viên hải quan soi chiếu hôm đó đã không phát hiện ra số hàng lậu này, “cho qua” cả 4 kiện hàng.

Để làm rõ số bao bì mang nhãn hiệu BOBONI không rõ nguồn gốc xuất xứ thu giữ được trong lô hàng “xách tay” nêu trên, ngày 10.10 Cảng vụ hàng không miền Bắc đã gửi công văn số 1647/CVMB-GSAN tới Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị phối hợp xác minh làm rõ lô nhãn hàng nêu trên.

Nói về vụ việc nêu trên, đã không ít ý kiến cho rằng vụ việc giống như cách thức vận chuyển hàng nhập lậu bằng đường hàng không của những đường dây buôn lậu, theo đó hành khách đi trên những chuyến bay sẽ nhận mang tên những kiện hàng và bàn giao ngay tại băng chuyền hành lý, còn trách nhiệm vận chuyển ra ngoài sẽ do các đường dây buôn lậu thực hiện. Phải chăng, ý kiến nêu trên là sự thật? Đây là việc các cơ quan chống buôn lậu cần làm rõ để ngăn chặn hàng lậu thẩm thấu qua đường hàng không.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích