Đến 30/9/2014, tổng phương tiện thanh toán đã tăng tới 10,73%. Hai năm gần
đây, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cũng luôn giữ ở mức cao.
Theo biểu niêm yết Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố ngày 7/10, lãi suất huy động VND đã giảm đáng kể ở hầu hết các kỳ hạn.
Mức cao nhất 6,8%/năm trước đó tại các kỳ hạn từ 24 - 60 tháng đã giảm 0,5%/năm, còn 6,3%/năm; các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng chỉ còn 4,5%/năm; 3 - 9 tháng từ 5 – 5,5%/năm…
Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm Vietcombank đi đầu xu hướng, chủ động giảm lãi suất huy động. Một lần trong số đó là trước thềm sự kiện Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động VND.
Một số ngân hàng lớn khác cũng có điều chỉnh, cùng định hình một đợt cắt giảm mới. Sự nối tiếp có trong ngày 8/10, như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức cao nhất của các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống đã lùi dưới 7%/năm, còn 6,8%/năm; các kỳ hạn ngắn chỉ áp từ 5 - 5,5%/năm.
Lần điều chỉnh này của các ngân hàng thương mại diễn ra ít ngày sau thông tin gợi mở, Thủ tướng Chính phủ họp với Ngân hàng Nhà nước để xem xét hạ lãi suất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần khiến tỷ giá USD/VND có biến động ngay sau đó, cùng với định hướng mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thương vụ Quốc hội đầu tuần qua (năm nay nếu điều chỉnh tỷ giá sẽ ở khoảng 1-1,43%).
Nay, cũng với diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động VND của các ngân hàng giảm thêm, khiến biến động của tỷ giá vừa qua không hẳn chỉ là do tin đồn và yếu tố tâm lý.
Với loạt điều chỉnh của các ngân hàng thương mại, một số thông tin trên thị trường đang đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ trần lãi suất. Kỳ thực, mức trần quy định hiện nay chỉ còn tính định hướng khi chỉ áp cho các kỳ hạn dưới 6 tháng, mà lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại đã nằm sâu dưới trần.
Mặt khác, chính Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp giảm lãi suất, dù không có một quyết định nào ban hành đến thời điểm này.
Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy, đến 30/9/2014, tổng phương tiện thanh toán đã tăng tới 10,73%. Hai năm gần đây, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cũng luôn giữ ở mức cao. Ngoài đáp ứng thanh khoản cho nền kinh tế, một yếu tố tác động đáng chú ý là lượng tiền cung ứng để mua vào ngoại tệ. Từ mức khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối năm 2011, đến quy mô 35 tỷ USD hiện nay gắn với một lượng tiền cung ứng lớn.
Trả lời ý kiến của một doanh nghiệp mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, Ngân hàng Nhà nước có các công cụ để chủ động điều tiết nguồn tiền cung ứng. Tuy nhiên, trạng thái dư thừa vốn thời gian qua và hiện nay là nằm trong chủ ý của nhà điều hành, một mặt để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, một mặt nhằm tạo điều kiện để hạ được lãi suất thời gian qua.
Theo đó, cân đối vốn thuận lợi để các ngân hàng hạ tiếp lãi suất huy động hiện nay do tác động gián tiếp của Ngân hàng Nhà nước, trong điều tiết “bơm - hút” tiền, mặc dù cơ quan này cũng đang phải đối diện áp lực dư thừa tiền đồng với mục tiêu giữ ổn định tỷ giá.
Theo VnEconomy