Vài năm trở lại đây, các loại rắn, rùa, cua đinh, ba ba được thị trường ưa chuộng mạnh nên một số hộ dân ở miền Tây bỏ cá, tôm, chuyển sang phát triển loài vật nuôi này. |
Rắn ri cá là loài không độc, dễ nuôi, lớn nhanh và chất lượng thịt ngon, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, nguồn thức ăn đa dạng nên đang được nhiều người nuôi. |
Trước đây, từ việc nuôi thỏ không hiệu quả, anh Bằng chuyển sang nuôi rắn ri cá. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, đàn rắn 50 con của anh đã cho thu nhập trên 30 triệu đồng. |
Anh Bằng phân tích, nuôi rắn ri cá có chi phí đầu tư về con giống, thức ăn thấp. |
Rắn được nuôi trong vèo lưới kết hợp với thả lục bình, dây nilon, giúp tạo môi trường hoang dã cho rắn, đồng thời lục bình để lọc nước, che mát giúp rắn phát triển nhanh. |
Thời gian cho ăn cũng rất dài. Rắn đẻ 1 tuần cho ăn 1 lần, rắn thịt thì 3 ngày 1 lần ăn. Thức ăn tận dụng từ nguồn cá tạp, cá rô phi, sặc, cá mè... |
Mỗi vèo nuôi được cắm 6 đến 8 cọc tre xung quanh để mắc lưới, ao nuôi đặt cống cho nước vô ra theo thủy triều. Còn đối với những vùng nguồn nước không tốt có thể nuôi không đặt cống nhưng 10 đến 15 ngày phải xử lí nước bằng vôi bột, muối…. Cách nuôi này hạn chế được dịch bệnh. |
Mật độ thả nuôi khoảng 17 con/m2, vèo nuôi được thiết kế bên trong bằng lưới cước mịn, bên ngoài lưới cước lỗ để tránh các loài cá lớn, cua, chuột…phá lưới. Rắn cho sinh sản phải có trọng lượng đạt từ 800 gram đến 1,3kg. |
Đối với việc nuôi rắn sinh sản, từ tháng 5 đến 6 âm lịch người nuôi cho rắn giao phối, bằng cách thả nuôi tỷ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái sẽ tránh tình trạng rắn đẻ non (không có con). |
Rắn ri cá giống từ 80 đến 100 gram có mức giá 80.000 đến 100.000 đồng/con. |
Rắn nuôi từ 15 đến 18 tháng đạt trọng lượng từ 1,1 đến 1,7 kg/con có thể xuất bán rắn thịt. Hiện giá bán rắn thịt từ 700.000 đến 800.000 đồng/kg. |
Nhiều hộ nuôi cá ở Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang…đang chuyển sang mô hình nuôi rắn này, do vậy mà những hộ làm giống ở miền Tây luôn trong tình trang cung không đủ cầu. |
Theo Zing