Xa Lộ Hà Nội (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)... là nơi tập kết của nhiều loại "đặc sản" từ khắp các tỉnh với giá rẻ bất ngờ.
Cua biển mang nhãn mác Cà Mau, Bến Tre được bán dọc đường Nguyễn Hữu cảnh với giá 80.000 đồng một kg. Những người bán rong trên đường Kha Vạn Cân (quận Bình Thạnh) bán theo con, 3 con nhỏ 50.000 đồng, những con lớn hơn dao động 25.000-30.000 đồng một con. Theo tiểu thương bán dạo trên đường Kha Vạn Cân, cua này được gom từ chính các ao nuôi ở Bến Tre với giá sỉ nên giá rẻ hơn khi ra chợ hoặc qua các khâu trung gian.
"Không tốn tiền mặt bằng, lại trực tiếp mang hàng lên đây bán nên mới có giá ưu đãi này", ngồi bên chiếc thau với hàng chục con cua bò lổm ngổm bên trong, chị giải thích khi mức giá rẻ hơn một nửa so với hàng cùng chủng loại trong chợ TP.HCM.
Chọn cách bán theo con, chứ không phải theo kg như thường thấy, chị cho hay làm vậy để "người tiêu dùng không sợ mình ăn gian trọng lượng và chê dây buộc cua to".
Thịt cá sấu xưa nay chỉ thấy xuất hiện trong nhà hàng, khách sạn nhưng nay được bán nhiều trên các con đường TP.HCM. |
Cá sấu cũng được rao bán nhiều trên lề đường. "Thịt cá sấu Long An" bán dạo trên đường Kha Vạn Cân với giá 60.000 đồng một kg (đối với sườn nguyên khúc), trong khi giá gốc tại các cơ sở nuôi là 40.000 đồng một kg. Người bán cho biết vì cá sấu nuôi chủ yếu bán lấy da nên cứ mỗi lần ở dưới Long An có người đặt hàng da cá sấu là có thịt để bán.
“Thu nhập từ thịt cá sấu không đáng bao nhiêu, chỉ đủ bù đắp thêm chút đỉnh từ công nuôi, chứ có được nhiều tiền hay không là nhờ da cá sấu. Da cá sấu có con bán được cả chục triệu, chứ thịt thì bán được vài trăm nghìn thôi”, người bán chia sẻ.
Anh cho hay, rất nhiều người đi đường ghé lại mua, có vị ghé lại lần hai, lần ba và còn cung ứng cho cả nhà hàng chứ không chỉ khách mua lẻ.
Tuy nhiên, do các loại thủy hải sản này chỉ để bảo quản đơn sơ trong thùng xốp nên theo chị Hạnh, quận Thủ Đức, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng khi mua hàng trên vỉa hè, lòng đường. Người bán nay chỗ này, mai chỗ nọ, chứ không ngồi một chỗ cố định cũng sẽ gây khó khăn với người tiêu dùng nếu cần góp ý, đổi trả... "Những sản phẩm này không có chứng nhận nào về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng quan sát thật kỹ, tránh tiền mất tật mang", chị nói.
Một vị bán trên đường này cho hay, trước đây ba ba là loại hiếm nhưng nay nông dân nuôi được nhiều, bán với giá vừa phải nên tiểu thương lấy về bán để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”. Mặt khác, đây là món hàng được người dân thành phố ưa chuộng, đặc biệt là dân nhậu nên mang bán ở vỉa hè để khách hàng dễ tiếp cận. Ba ba được bán theo con, đối với con từ 6-7 lạng khoảng 150.000 đồng một con, loại nhỏ hơn có giá 100.000 đồng.
"Một ngày có thể bán 20-30 con, hôm nào đắt hàng có người mua một lúc cả 10 con", anh kể.
Chỉ xuất hiện trên đường phố 2 tuần trở lại đây nhưng ba ba được rất nhiều dân nhậu ưa chuộng. |
Ông Phan Hoàng Kiếm, Trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay, để kiểm tra những sản phẩm này có giấy tờ hợp lệ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải phối hợp với nhiều ban ngành. Với thịt cá sấu cần sự phối hợp của chi cục kiểm lâm mới biết được nguồn gốc hàng hóa.
Theo ông, tình trạng bán ở vỉa hè đã dẹp rất nhiều lần nhưng nhiều người muốn nhanh gọn và giảm chi phí nên vẫn cố tình bán, chỉ khi nào thấy cơ quan quản lý kiểm tra thì chạy nên rất khó giải quyết.
"Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", ông khuyên.
Bên cạnh thủy hải sản, trái cây ở các tỉnh khác nhau cũng thi nhau đổ về TP.HCMnhư vải thiều Bắc Giang, mít thái Cần Thơ, nho Ninh Thuận...
Vải thiều có giá 28.000 đồng một kg, nho Ninh Thuận 45.000 đồng một kg, mít thái 20.000 đồng một kg, bơ sáp Đăk Lăk 25.000 đồng một kg. Hầu hết tiểu thương đều cam kết hàng chính hãng, lấy tận gốc chứ không qua khâu trung gian nào nên hàng đảm bảo chất lượng mà giá lại rẻ.
Giải thích việc đua nhau bán ở vỉa hè, nhiều tiểu thương cho biết, vì trái cây vào mùa nên thu gom lên thành phố bán để kiếm thêm. Để có giá rẻ cho người tiêu dùng, thay vì thuê sạp để bán, nhiều tiểu thương tiết kiệm chi phí bằng cách bán ngay trên xe chở hàng, có người bày bán tại vỉa hè. Mỗi lần thấy công an hay trật tự, các xe hàng rong nhanh chóng di chuyển đi nơi khác, hoặc thu gom hàng cất vào trong đợi cho họ đi rồi quay trở lại.
Theo VnExpress