Nhiều chủ cửa hàng phân phối gạo cho rằng, những sản phẩm gạo “gắn mác ngoại” chỉ là do cửa hàng tự đặt tên hoặc có nguồn gốc từ các giống lúa nhập khẩu.
Các sản phẩm gạo gắn mác ngoại được trưng bày ở cửa hàng gạo Sài Gòn. |
Sáng 16/7, tại một đại lý phân phối gạo trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, TP.HCM), chị Nhung đứng chờ chủ tiệm giao 10kg gạo thơm Thái với giá 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị Nhung còn được khuyến mãi thêm 1kg đường trắng, 1 bịch hạt nêm và vài thứ vật phẩm linh tinh khác. Chị Nhung cho biết, gia đình đã quen ăn gạo Thái từ nhiều năm nay, trước đó, khi kinh tế chưa khá giả, cả nhà sử dụng các loại gạo thường, giá khoảng 10.000 – 11.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại đại lý gạo Sài Gòn trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh), các loại gạo gắn mác ngoại như thơm Thái, thơm Mỹ, gạo Đài Loan, gạo Nhật… được chủ cửa hàng trưng bày ở 2 hàng đầu tiên, vị trí bắt mắt, dễ nhìn.
Anh Tú - chủ cửa hàng gạo Sài Gòn cho biết, tất cả các loại gạo bày bán ở cửa hàng đều được anh nhập từ một công ty xay xát gạo ở Tiền Giang, được nông dân ĐBSCL sản xuất ra. “Mấy thương lái thu mua lúa về bán cho doanh nghiệp xay xát, rồi doanh nghiệp xay xát bán lại cho cửa hàng phân phối tụi tui chứ có nhập khẩu gì đâu” - anh Tú giải thích.
Hiện tại, các sản phẩm gạo mác ngoại có giá từ 13.500 – 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, các sản phẩm gạo thơm Việt Nam như nàng thơm, chợ đào, tám thơm, Thái Nguyên… có giá cao hơn nhiều, từ 18.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Kỹ sư Võ Hùng Anh – Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, sở dĩ các sản phẩm gạo trên thị trường có tên gắn với nước ngoài vì có nguồn gốc từ các giống lúa nhập khẩu như Jasmine, VD20… Tuy nhiên, qua nhiều mùa vụ sản xuất tại Việt Nam, nhiều đặc tính ban đầu của các giống lúa này cũng đã phần nào bị thoái hóa, tính chất hạt gạo không còn thơm, dẻo, cơm không mềm như các cửa hàng phân phối gạo giới thiệu.
Thương hiệu gạo Việt… lép vế
Là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7 triệu tấn mỗi năm, thế nhưng, vẫn chưa có một thương hiệu gạo Việt Nam nào được biết đến rộng rãi, thậm chí ngay tại thị trường trong nước. PGS-TS Mai Thành Phụng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại TP.HCM, cho biết, không chỉ mặt hàng gạo ngoài thị trường tự do, ngay cả nông sản bán tại các siêu thị hiện nay cũng chưa được gắn tem, nhãn, bao bì chính thống.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, ĐBSCL hiện có hơn 100 giống lúa các loại đang được bà con nông dân sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 15 – 20 giống lúa mới, chất lượng cao, phù hợp và thích nghi với với từng vùng, từng vụ sản xuất được công nhận và đưa vào sản xuất. |
Theo ông Phụng, thương hiệu gạo trong nước hiện nay vừa thừa, vừa thiếu trầm trọng. Thiếu những thương hiệu gạo đủ uy tín, ổn định về chất lượng, sản lượng và thu hút được người tiêu dùng. Ngược lại, cũng có quá nhiều loại gạo để có sự chọn lựa chắc chắn, ghi được dấu ấn vào thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) cũng cho rằng, bên cạnh việc không có bộ giống đảm bảo chất lượng tốt, các giống lúa của Việt Nam hiện nay thoái hóa rất nhanh, không tồn tại lâu dài. Do đó, không thể xây dựng được thương hiệu đủ mạnh.
“Nhiều trường hợp sản phẩm gạo Việt Nam đưa tới bạn bè quốc tế sử dụng, họ khen cơm ngon, muốn quay lại nhập khẩu thì giống lúa đó đã không còn. Ví như bộ giống lúa thơm ST, chỉ mới vài năm nhưng hiện đã có tới dòng ST 20. Hay như trước đây, Việt Nam có sản phẩm IR 84 với hạt gạo dài, thơm, cơm rất ngon, xuất khẩu tốt thì hiện cũng không còn”- ông Trí cho biết.
Ngoài ra, những tên gọi quen thuộc như nàng thơm chợ đào, tài nguyên, nàng hương… thì lại có số lượng hạn chế, hơn nữa, khi ra thị trường, nhiều sản phẩm gạo đặc sản bị trộn lẫn với tỷ lệ lớn khiến chất lượng không còn nguyên vẹn. Do đó, các thương hiệu này không được nhiều người tiêu dùng chọn mua.
Theo Dân Việt