Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã tiếp cận được Kang - một doanh nhân nuôi cá tầm Trung Quốc, người đã có 8 năm kinh nghiệm nuôi cá tầm ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Qua cuộc tiếp xúc này, nhiều câu chuyện bí mật quanh con cá tầm đã dần được hé lộ.
Kang sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nuôi cá tầm lâu năm ở Trung Quốc. Mặc dù là người Trung Quốc hiếm hoi sang Việt Nam nuôi cá tầm, nhưng dân trong nghề không mấy người biết tới Kang. Kang rất kín tiếng, nhắc đến Kang gần như trong giới cá tầm ai cũng lắc đầu vì chưa từng nghe thấy tên.
Kang (bên phải) và người phiên dịch trong cuộc trò chuyện lúc nửa đêm với PV NTNN.
Cuộc tiếp xúc lúc nửa đêm
Qua L.A - một trong số ít người hiếm hoi biết Kang, cũng có tiếng tăm trong giới buôn cá tầm và chuyên phân phối cho thị trường Hà Nội, đã giúp chúng tôi tiếp xúc với Kang. 20 giờ một ngày đầu tháng 7, tôi nhận được điện thoại của L.A với nội dung ngắn gọn: “Đã móc nối xong, phải lên đường ngay”.
Trên đường đi, L.A dặn dò chúng tôi rất kỹ lưỡng và chúng tôi phải vào vai những người tìm kiếm hợp tác đầu tư, kinh doanh cá tầm. Bởi theo L.A, Kang cũng đang cần tìm kiếm đối tác để phát triển hệ thống vùng nuôi cá tầm ở Việt Nam.
Sau hơn 4 tiếng chạy xe, chúng tôi đã có mặt ở xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang), nơi có hồ nuôi cá tầm của Kang. Lúc này đã hơn 12 giờ đêm, trời tối đen như mực, kèm theo mưa gió vần vũ. Kang đã đứng đợi chúng tôi từ lâu.
Gặp Kang, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng. Đó là một chàng trai còn khá trẻ, ăn mặc giản dị, dáng người tầm thước, nước da đen sẫm. Kang từ tốn, điềm đạm, mới 26 tuổi mà đã có 6 năm kinh nghiệm nuôi cá tầm ở Trung Quốc, 2 năm kinh nghiệm nuôi ở Việt Nam và đã nuôi thành công, cho thu hoạch 4 triệu con cá tầm - một con số đáng nể.
Theo lời kể, Kang sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ nuôi cá tầm 14 năm, chú ruột Kang cũng là chủ của một vài trại nuôi cá tầm lớn ở Trung Quốc và ông của Kang thì đã làm nghề này 20 năm rồi.
Nuôi cá tầm có thể nói là nghề truyền thống, cha truyền con nối của gia đình Kang. Hiện nay gia đình Kang không chỉ nuôi cá tầm trong nước mà còn có nhiều trại giống ở một số nước châu Á khác. Riêng ở Đài Loan (Trung Quốc), nhà Kang đã chi phối 50% thị trường con giống. Cũng chính bởi truyền thống lâu năm đó, năm 24 tuổi sau khi học xong, Kang đã một mình khăn gói sang Việt Nam để mở rộng vùng nuôi cá tầm của gia đình.
Sau lời giới thiệu của L.A, Kang đi thẳng vào vấn đề: “Các anh mới làm, gặp tôi là đúng rồi. Nếu các anh thực sự muốn đầu tư vào con cá tầm, tôi có thể hỗ trợ toàn bộ từ giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, công nghệ, kỹ thuật nuôi, tất cả đều chuyển giao từ Trung Quốc sang.
Ngoài ra nếu các anh thấy cần thiết, tôi sẽ gọi chuyên gia Trung Quốc sang hỗ trợ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi. Sau một thời gian tôi sẽ đưa người của các anh sang Trung Quốc học thêm để nắm bắt toàn bộ kỹ thuật”. Kang hứa sẽ hỗ trợ mua thuốc chữa bệnh, thức ăn và giống ở nơi rẻ nhất, tốt nhất.
Về con giống, Kang bảo nên nhập con giống mới nở, khoảng chừng 1cm. “Bây giờ vận chuyển qua biên giới, nếu cá tầm cỡ 15cm thì dễ bị tóm lắm. Nhưng nếu vận chuyển giống bé, loại vừa nở thì vừa gọn nhẹ mà không ai biết là cá gì, bỏ cá giống vào từng bọc chất lên xe chạy qua biên giới thẳng về tận nhà luôn mà không mất nhiều công sức, cũng không bị soi.
Loại cá giống nhỏ phải tháng 11 - 12 mới có”. Kang bảo sẽ đưa chúng tôi sang Trung Quốc mua giống, còn về giấy tờ Kang sẽ lo miễn phí, Kang sẽ sang Đài Loan (Trung Quốc) lấy hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cá tầm Trung Quốc. Kang cũng khẳng định chắc nịch, cần làm giấy tờ cho bao nhiêu con giống cũng được!
Vải thưa khó che mắt thánh
Sau một hồi trò chuyện, thấy Kang bắt đầu hào hứng và mở lòng, chúng tôi bắt đầu lân la hỏi han công việc nuôi cá tầm của Kang ở Việt Nam. Câu chuyện được sang trang một cách tự nhiên, Kang tâm sự:
“Tôi thuê hồ Khe Chảo của ông Bùi Thanh Vân trong 5 năm, tính tiền theo từng năm, đến nay đã bước sang năm thứ hai. Năm đầu tiên tôi đưa 30 vạn cá tầm giống sang nuôi thả, sau một thời gian đã nuôi thành công khoảng gần 26 vạn con. Nhưng sau một thời gian nuôi tiếp thì cá chết gần như sạch, chỉ thu hoạch được khoảng 200 con.
Nguyên nhân là do lúc đầu ông Vân bảo nhiệt độ ở hồ Khe Chảo là 26 độ C, tôi đã cẩn thận đưa giống cá chịu được nhiệt độ tối đa khoảng 29 – 30 độ C đề phòng khi nhiệt độ lên xuống bất thường. Vậy nhưng năm ngoái ở đây có thời điểm nhiệt độ lên tới 31 – 32 độ C nên cá tầm không sống nổi.
Sau thất bại lứa cá 30 vạn con, tôi quyết định mua cá giống từ Sa Pa để nuôi lấy thịt, sau đó cũng thu hoạch được khoảng 2 tấn. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi thả 10 vạn con giống cá tầm Mỹ, nuôi rất thành công nhưng khổ nỗi lại bị mất trộm. Cứ lúc nào tôi về Trung Quốc nhập thức ăn là cá trong hồ vơi hẳn đi”(?).
Sau 2 năm nuôi cá tầm ở Việt Nam, với những rủi ro ngoài ý muốn, Kang tâm sự chưa hề thu về được gì trong khi tiền đầu tư bỏ ra đã khoảng 2 tỷ đồng. Kang cũng chia sẻ: “Hiện nay trong hồ nuôi của tôi chỉ còn khoảng 8.000 con cá tầm nhưng nếu thu hoạch được số này (khoảng tháng 4.2014) thì cũng kéo lại được số vốn đã bỏ ra 2 năm qua”.
Chúng tôi vờ hỏi về vụ bắt giữ 4 tấn cá tầm lậu ở Lạng Sơn ngày 27.6, Kang tiết lộ: “Trước khi xảy ra vụ ông Nghiêm bị bắt giữ lô hàng 4 tấn cá tầm lậu ở Lạng Sơn, ông Vân đã chuyển khoảng 3 tấn cá tầm thương phẩm không biết lấy ở đâu về chỗ nuôi của tôi ở hồ Khe Chảo, rồi tự đổ vào bể của tôi 1 tấn, 2 tấn còn lại ông ấy chở đi tiêu thụ, sau đó quay về lấy nốt 1 tấn kia để tiêu thụ tiếp”.
Kang cho biết sau khi xảy ra vụ bắt giữ, ông Vân có dặn Kang rằng nếu ai hỏi thì cứ bảo cháu làm thuê cho chú và cứ nói mấy ngày qua chú Vân bán được rất nhiều cá cho khách(?)”.
“Cá tầm Trung Quốc giờ rẻ bèo!”
Trong câu chuyện, chúng tôi cũng cung cấp thêm cho Kang thông tin hiện nay các vùng nuôi cá tầm ở Việt Nam đang bị xáo trộn rất nhiều bởi các thông tin liên quan đến chất lượng con giống cá tầm, nguồn gốc con giống, rồi chuyện cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đang tung hoành ở Việt Nam...
Nghe những câu chuyện đó, Kang nhìn chúng tôi và cười rất ẩn ý: “Ở trên Sa Pa (Lào Cai), cá tầm giống hầu như đều lấy ở Trung Quốc, nhiều người lên Sa Pa để mua cá giống tuy nhiên khi đặt số lượng và trả tiền xong thì người bán sẽ sang Trung Quốc lấy giống và giao cho khách hàng. Ngay cả Lai Châu cũng vậy, họ lấy giống ở chỗ nào của Trung Quốc tôi đều biết hết”.
Kang bảo thêm, nhiều hộ nuôi cá tầm ở Sa Pa không biết cách chọn giống, sang Trung Quốc toàn lấy loại giống kém chất lượng. Đó là loại giống mà trứng ấp sau 5 ngày mới nở (giống loại tốt là trứng ấp sau 1 - 2 ngày đã nở ngay).
Loại giống này ở Trung Quốc họ không “thèm dùng”, người Việt Nam sang mua, nhiều khi họ còn cho không. Loại giống đó cho dù nuôi tới 2 năm hay lâu hơn nữa thì con cá thành phẩm cũng chỉ được 1,5 – 2 kg, không thể lớn hơn.
Theo lời Kang, cách đây 6 năm, nghề nuôi cá tầm ở Trung Quốc rất hưng thịnh, người ta chẳng cần tính toán gì, cứ thả con cá vào ao nuôi là có lãi, không phải nghĩ, nhà nào có nhiều tiền, nuôi nhiều thì sẽ lãi nhiều. Thời điểm đó, người Trung Quốc ăn cá tầm nhiều như ăn cơm, uống nước hàng ngày, nhất là ở miền Bắc.
Sau một thời gian nhà nhà nuôi cá tầm, người người nuôi cá tầm, đến giai đoạn 2009 – 2010, khi thị trường bắt đầu bão hòa, cung vượt cầu thì nhiều gia đình bắt đầu lao đao vì trót đổ hết tiền vào loài cá này. Kang chốt câu chuyện:
“Người Trung Quốc bây giờ không ăn cá tầm nữa, chỉ có một bộ phận ở Quảng Đông, đến dịp tết là người ta ăn thôi, mà họ cũng chỉ ăn cá tầm loại dưới 1kg, loại 2 – 3kg họ không ăn mà chỉ để bán cho Việt Nam và vài nước khác. Cá tầm ở Trung Quốc giờ rẻ bèo!”.
Kang đã rất cởi mở khi kể lại cho chúng tôi những “bí mật” trong nghề, tuy nhiên, những người trong cuộc như Bùi Thanh Vân - “chủ” hồ cá “80 triệu” con tầm; ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn; ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), họ nói gì về câu chuyện này? Bí ẩn nằm sau con dấu đỏ xác nhận của cơ quan chức năng là gì? Phóng viên tiếp tục lần tìm theo những “vết dầu loang” để làm rõ sự tình...
Trung Quốc hiện là nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới, năm 2010 – 2011 sản lượng đạt 35.000 tấn. Theo lời Kang, ở Trung Quốc ngoài cá tầm Nga và Siberi còn có loài cá tầm Trung Quốc gọi là cá Cúc Bảo. Loài cá này chỉ cần nuôi 5 tháng là có thể đạt trọng lượng 2,5 – 3kg. Loài cá này rất khỏe, dù nhiệt độ lên đến 35 độ C cá vẫn sống bình thường, lớn nhanh như thổi. Tuy nhiên loại cá này không thể ấp nở, chỉ nuôi lấy thịt. Trứng của cá tầm Cúc Bảo to gấp 3 lần cá tầm Nga, Siberi. |
Theo Laodong