Người tiêu dùng “nhịn ăn” chỉ vì tin đồn

Thứ hai, 22/07/2013, 07:16
Nghe theo thông tin đồn thổi khiến cho nhiều người đã phải “nhịn” những món khoái khẩu của mình.

Từ thông tin sữa có đỉa, hạt hướng dương có chất teo não, đến ăn chuối bị ung thư, rồi chất gelatin trong chè khúc bạch được chiết xuất từ da động vật rất mất vệ sinh… tất cả những đồn thổi không chính xác đã làm người tiêu dùng (NTD) nhiều phen khiếp vía, không dám dùng sản phẩm.

thực phẩm
Tin đồn ăn chuối không tốt cho khức khỏe khiến người nông dân Việt Nam chịu nhiều thiệt hại.

Trong một lần tiếp xúc với Giám đốc Công ty TNHH MTV TM và DV Bách Linh (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, khi có tin đồn ăn hạt hướng dương có chất gây teo não, chỉ trong một ngày, hàng loạt đối tác phản hồi, trả sản phẩm, thị trường tiêu thụ tê liệt. Sau sự vào cuộc quyết liệt của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, của doanh nghiệp và cơ quan liên quan, sự thật được phơi bày, hạt hướng dương "vô can" với chất gây teo não. Thế nhưng, sau 1 tháng, khi hạt hướng dương được "minh oan", thị trường mới chỉ hồi phục được 70%.

"Sau vụ này, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Doanh thu giảm, thị trường tăng trưởng khó khăn và đặc biệt là lấy lại niềm tin cho NTD không phải dễ. Dù cơ quan chức năng vào cuộc, có thông tin rõ ràng cho NTD nhưng sự vào cuộc đó còn rất chậm. Chính tâm lý chờ đợi, hoang mang kéo dài khi chưa rõ kết luận của cơ quan chức năng đã làm cho NTD và doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép", bà Hương nói.

Cũng trong tình cảnh tin đồn "bủa vây", trường hợp sữa có đỉa là tin đồn khó chấp nhận nhất vì trong môi trường của sữa đỉa không thể tồn tại. Thế nhưng, tin đồn lan rộng và các doanh nghiệp sữa được một phen điêu đứng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho rằng những thông tin về sữa có đỉa chỉ là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Với trình độ nhận thức của người dân Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định NTD biết đỉa sống ở môi trường nào và có thể sống được với môi trường sữa hay không. Trong các sản phẩm sữa nói chung và sản phẩm sữa của Vinamilk nói riêng, bằng các công nghệ tiệt trùng hiện đại, sản phẩm sản xuất ở nhiệt độ cao thì không bao giờ có thể có đỉa trong sản phẩm sữa được. Điều này đã được các nhà khoa học và cơ quan quản lý vào cuộc, kiểm tra và đánh giá cụ thể.

thực phẩm
Tin đồn chất gelatin - thành phần làm chè khúc bạch có thể gây sỏi thận, ung thư... khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, khiến nhiều nhà hàng khốn đốn.

Mới đây nhất, tại nhiều địa phương kể từ miền Bắc vào đến miền Nam, cơn sốt chè khúc bạch lên cao, nóng "hầm hập" cùng thời tiết 38 - 39 độ C của các tháng 5, tháng 6. Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, gần như nơi đâu cũng thấy biển đề chè khúc bạch. Ở TP.HCM, chè khúc bạch được gọi dưới nhiều tên khác nhau và được hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, ở TP.HCM, chè khúc bạch cũng chưa lúc nào ngừng "hot"

Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cơn sốt chè khúc bạch tự dưng trùng hẳn. Cảnh tấp nập trong các cửa hàng bán chè khúc bạch không còn, thay vào đó là không gian vắng tanh, nhân viên "ngáp ruồi, ngủ gật". Lý do thật là đơn giản, chỉ là thành phần gelatin để tạo độ đông cho một số thành phần của chè khúc bạch bị đồn thổi là được làm từ xương, da của động vật và khâu chế biến cực kỳ mất vệ sinh, có thể gây ung thư, sỏi thận.

Thông tin đó nhanh như "điện", các cửa hàng chè khúc bạch chẳng còn biết thanh minh thế nào và chỉ ngậm ngùi gỡ bỏ biển chè khúc bạch ngon… Còn NTD hoang mang không dám "bén bảng" tới chè khúc bạch.

Minh oan cho chè khúc bạch, nhiều chuyên gia công nghệ thực phẩm, dinh dưỡng đã đi tìm câu trả lời và biết rằng, tin đồn thất thiệt khiến cho người kinh doanh điêu đứng, NTD lo sợ.

thực phẩm
Đồn thổi ăn hạt hướng dương làm teo não, gây ung thư khiến cho người tiêu dùng sợ không dám sử dụng sản phẩm.

Ông Lê Thanh Hải, giảng viên Khoa Công nghệ sau thu hoạch Đại học Hùng Vương (TP.HCM) cho rằng, gelatin là chế phẩm tạo ra từ chất collagen chiết xuất từ da, xương động vật (da cá, da heo) hoặc từ thực vật (tảo đỏ, trái cây)… Là một loại protein gần như nguyên chất, không mùi, không vị, trong suốt hoặc có màu hơi hơi ngả vàng có dạng lá hoặc bột. Đây là sản phẩm an toàn cho sức khoẻ con người và nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng.

Gelatin chỉ không an toàn khi sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Nếu như người dùng cố tình dùng sản phẩm gelatin trôi nổi, kém chất lượng chắc chắn mối nguy hại với sức khỏe người dùng là có.

ThS. Phan Thị Ngọc Tuyết - chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Khoa Sư phạm kỹ thuật đại học Sài Gòn (TP.HCM) cho rằng, không nên đổ hết tội cho chè khúc bạch nếu chưa có kết quả kiểm tra, kiểm định thành phần trong đó.

"Ngoài gelatin trong chè khúc bạch, nhiều loại chè khác cũng bị phát hiện sử dụng đường hoá học, phẩm màu sai quy định, mà điều này rất khó phát hiện bằng cảm quan, đặc biệt là những người không có chuyên môn hữu quan. Hay hệ thống tiệm, hàng rong dù nguyên liệu sạch nhưng chế biến không đảm bảo, bày bán ở những nơi khói bụi mất vệ sinh… cũng có khả năng gây bệnh", ThS. Phan Thị Ngọc Tuyết cho biết.

Trước những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới lợi ích của các bên liên quan, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD cho rằng, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh hơn nữa để tìm ra câu trả lời sớm, thông tin rộng rãi tới NTD. Cơ quan chức năng cũng cần có các giám sát, xử lý những thông tin chưa có kiểm chứng, kiểm tra thực tế. Cần thiết, có thể quy trách nhiệm, buộc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nếu tung tin đồn không chính xác.

Theo CLVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích