Việc người nông dân chặt bỏ cao su và chuyển sang trồng hồ tiêu cho thấy họ đang “chạy đua” phát triển những cây trồng đang có giá cao trên thị trường. Tuy nhiên việc tự phát chuyển đổi sẽ làm cho người nông dân phải đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn như sâu bệnh, cung vượt cầu, giá cả thay đổi, thị trường tiêu thụ, ô nhiễm môi trường và kéo theo nhiều hệ lụy khác về sau.
Rừng cao su bị chặt trụi làm trụ để trồng tiêu |
Ông Vũ Đức Thành (xã Ðắk D’rông, huyện Cư Jút) có vườn cao su gần 7 năm tuổi cho biết: Trồng tiêu thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, trong khi giá cà phê năm nay thấp chưa tới 40.000 đồng/kg và đặc biệt là cao su rớt giá thê thảm còn chưa tới 9.000 đồng/kg nên ông cũng quyết định chuyển một phần diện tích sang trồng tiêu. “Các hộ dân ở đây cũng đổ xô sang trồng tiêu hết rồi”, ông nói thêm.
Theo báo cáo của UBND xã Ðắk D’rông chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có trên 100ha đất hoa màu được người dân san ủi, chôn cọc để trồng tiêu, nâng tổng số diện tích tiêu toàn xã lên hơn 300ha. Toàn huyện đã có trên 1.400ha tiêu và hầu hết đều là mới trồng. Những cây trồng bị chặt bỏ để trồng tiêu nhiều nhất là cao su, cà phê vì giá xuống thấp.
Những diện tích trồng cao su và cà phê trước đây bị chặt bỏ để trồng tiêu |
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây hồ tiêu, ông Lê Văn Hùng (ngụ thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) cũng đang dự tính chặt bỏ hơn 2ha cao su đang thu hoạch để trồng tiêu. “Tiền thu từ mủ cao su không đủ để trả thuê nhân công. Giá tiêu hiện nay cao gấp 4-5 lần cà phê và hàng chục lần so với cao su nên cả vùng này giờ chẳng ai mặn mà gì với cây cao su nữa”.
Hiện tại, gia đình ông vừa mới trồng 200 trụ tiêu trên diện tích cà phê vừa phá bỏ với hy vọng giá tiêu ổn định như hiện nay thì 1-2 năm tới sẽ có thể làm giàu từ cây tiêu.
Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật và Phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil, tính đến thời điểm tháng 4 năm 2015, trên địa bàn huyện đã có 65,4ha diện tích cao su bị chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác. Diện tích cao su bị chặt bỏ tập trung nhiều tại các xã Đăk Rla (22ha), xã Đăk N’Drot (21ha), 2 xã Đăk Gằn và Thuận An (20ha).
Ngoài việc trồng xen hay phá bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng tiêu thì tại huyện Đắk Mil xuất hiện tình trạng người dân chặt cao su trồng tiêu. Do sợ tốn kém đầu tư nên người dân chỉ bỏ phần ngọn và giữ lại thân cây cao su để làm trụ trồng tiêu.
Theo các nhà khoa học, việc trồng tiêu xen trong vườn cao su là không đúng, do nền đất dưới gốc cây cao su thường bị chai cứng nên sẽ không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cây tiêu phát triển cũng như bản thân cây cao su không phải là cây phù hợp để làm trụ cho cây tiêu bám vào.
Nông dân ồ ạt trồng mới hồ tiêu |
Đứng trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Nông đã có các công văn khuyến cáo nông dân không chặt cao su và mở rộng diện tích hồ tiêu ồ ạt, tránh phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông nghiệp. Tuy vậy, nhiều hộ nông dân vẫn chọn cách phát triển cây hồ tiêu.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến cuối tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên. Có gần 260ha cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 - 4 năm tuổi) bị chuyển đổi, chủ yếu là chuyển đổi tự phát.
Ngoài ra, cũng đã có tổng cộng hơn 270ha cao su trồng xen đang ở giai đoạn kinh doanh bị thanh lý sớm. Nguyên nhân là trước đây khi cao su có giá cao, nông dân tranh thủ trồng xen cao su trong vườn tiêu, cà phê, chờ cao su lớn sẽ đốn bỏ cà phê, tiêu. Tuy nhiên do hiện nay giá cao su xuống thấp, trong khi tiêu đang được giá nên để đảm bảo thông thoáng vườn cây, nông dân đã tiến hành đốn bỏ cây cao su.
Theo DânTrí