Vừa trở về sau chuyến kêu gọi các doanh nghiệp (DN) Mỹ đầu tư vào Việt Nam, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thành viên ban tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Mỹ (từ ngày 1 đến 5/7/2015), đã chia sẻ với PV nhiều thông tin thú vị.
Ông Muôn nói: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York (Mỹ) với chủ đề “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn”.
Hội nghị thu hút hơn 160 đại diện các quỹ, ngân hàng, các định chế tài chính hàng đầu Mỹ và tầm cỡ thế giới với tổng tài sản hàng ngàn tỷ USD đã và đang quan tâm đầu tư tại Việt Nam. Riêng ở phiên đối thoại, các nhà đầu tư Mỹ đã đến chật hội trường.
Vậy các nhà đầu tư hàng đầu Mỹ, đặc biệt là các tỷ phú quan tâm đầu tư đến những lĩnh vực nào của Việt Nam, thưa ông?
Có bốn lĩnh vực mà các nhà đầu tư Mỹ, trong đó bao gồm cả các tỷ phú quan tâm nhiều nhất là cổ phần hóa các DN nhà nước (DNNN), thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ và thành lập DN.
Thực tế hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Mỹ nói riêng chưa tham gia nhiều vào quá trình tái cơ cấu DNNN thông qua cổ phần hóa. Nguyên nhân do các nhà đầu tư Mỹ là những nhà đầu tư lớn, trong khi quá trình cổ phần hóa các DNNN cho đến thời điểm này chủ yếu diễn ra tại các DN có quy mô hạn chế, nhỏ và vừa. Các nhà đầu tư Mỹ thì lại quan tâm đến các DN lớn.
Trên thực tế, mảng thị trường vốn của Việt Nam còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư Mỹ. Vậy họ có quan tâm đến thị trường này, chẳng hạn như thị trường chứng khoán?
Đúng là họ quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam do tăng trưởng kinh tế ổn định và triển vọng Việt Nam trở lại đà tăng trưởng cao trên 7%/năm.
Đặc biệt là sự thay đổi tư duy của Chính phủ khi mới đây đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015 về việc nới room, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại DN, trừ DN thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. (Trước đây chúng ta giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 30%, sau đó nâng lên 49% và hiện nay là 100% đối với rất nhiều ngành nghề).
Ông Phạm Viết Muôn và tỷ phú Phillip A Falcone, Chủ tịch Quỹ Habinger - quỹ đã đầu tư vào dự án Grand - Hồ Tràm, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Nghị định 60/2015 vừa ban hành cởi mở hơn nhiều so với quy định cũ đã tạo ra sức hút rất lớn. Đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến thị trường chứng khoán của chúng ta. Trên thực tế hiện nay đã có một số công ty Mỹ có mặt ở Việt Nam đang đầu tư thông qua thị trường chứng khoán.
Theo thông tin mà chúng tôi được biết, tại hội nghị xúc tiến đầu tư còn có các tỷ phú Mỹ tham gia. Ông có thể cho biết họ quan tâm đến vấn đề gì nhất?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những cuộc tiếp xúc song phương với một số tỷ phú Mỹ. Các tỷ phú này đã trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề với bộ trưởng. Chẳng hạn như việc đầu tư vào các DNNN trong quá trình tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa. Các tỷ phú quan tâm đến vị trí, cương vị của họ khi đầu tư vào các DNNN.
Điều này cũng là hợp lý và chính đáng đối với các nhà đầu tư. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giải đáp mọi thắc mắc và các bạn Mỹ đã hiểu ra, yên tâm và hứa sẽ đầu tư sớm vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Mỹ cũng đã gặp các cơ quan chức năng, DN lớn của Việt Nam như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các sở giao dịch chứng khoán... Hai bên đã có những cuộc trao đổi chiến lược với nhau.
Thưa ông, trước đây từng có nhiều tập đoàn Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng số DN đầu tư vào nước ta lại chưa nhiều. Ông lý giải điều này thế nào?
Việc các tập đoàn Mỹ đến thăm dò cơ hội đầu tư rồi rút đi không hoàn toàn là do chúng ta. Thứ nhất, thời gian trước đây chưa chín muồi để các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Thứ hai, các dự án lớn thường không xuất hiện ngay từ đầu khi chúng ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Điều đó không hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có nhiều nhà đầu tư rất lớn và các tỷ phú của thế giới.
Còn hiện tại tình hình đã khác. Chúng ta đang cổ phần hóa cả các tập đoàn, các DNNN lớn và lúc này các nhà đầu tư Mỹ mới vào. Hơn nữa, các lĩnh vực chúng ta đang kêu gọi đầu tư khá rộng trong đó có cả điện lực, dầu khí, than, hàng không…
Sắp tới dự kiến sẽ có một đoàn đại diện các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam làm việc. Liệu đây có phải là một trong những tín hiệu cho thấy sẽ có một làn sóng đầu tư Mỹ vào Việt Nam?
Hiện tại, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khá lớn nhưng nếu so với đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì vẫn còn thấp. Lý do thời gian qua các nhà đầu tư Mỹ còn đang trông đợi vào việc môi trường kinh doanh của chúng ta được cải thiện mạnh trong quá trình vận hành và đổi mới.
Nhưng tới đây chúng ta có cơ sở để hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Bởi hiện nay chúng ta đã ký Hiệp định tự do thương mại Việt - Mỹ, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang trong quá trình đàm phán và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước.
Đây là cơ hội mở ra rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam. Rồi Nghị định 60/2015 được giới đầu tư đánh giá rất cao, cộng thêm các chính sách cởi mở khác…
Bối cảnh trên đây cho chúng ta kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư kể cả gián tiếp lẫn trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam. Và cuộc xúc tiến đầu tư tại Mỹ vừa rồi chỉ là một trong các động thái để thúc đẩy và cụ thể hóa những thỏa thuận mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được.
Xin cám ơn ông.
Điểm đến hấp dẫn của dòng vốn Tỷ phú Mỹ Wibur L. Ross, người có tài sản trên 3 tỷ USD, xếp thứ 200 tại Mỹ và 600 trên toàn cầu nhìn nhận tại hội nghị xúc tiến đầu tư rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào thị trường chứng khoán và DNNN cổ phần hóa. Vị tỷ phú 78 tuổi này cũng cho rằng, những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và bất động sản sẽ phát triển mạnh và đáng quan tâm đầu tư. Cũng theo ông Wibur L. Ross, nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và nới room cho nhà đầu tư ngoại đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ. Mỹ là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 2/2015, Mỹ có 729 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn đăng ký 11 tỷ USD. Trên thị trường vốn Việt Nam đã có nhiều tập đoàn tài chính lớn của Mỹ tham gia. |
Theo Zing