Thương vụ bỏ hơn 9,25 triệu USD để sở hữu 3% cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vào cuối năm 2014 hoàn tất chưa lâu, thì ngày 1/7/2015, lãnh đạo Tập đoàn Itochu đã có buổi làm việc với Vinatex để cụ thể hóa thỏa thuận khung về hợp tác kinh doanh, để thực hiện đầu tư chuỗi dự án mới về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam đã được hai bên ký kết cách đây vài tháng…
“Itochu quan tâm đầu tư về lĩnh vực kéo sợi, dệt kim, nhuộm hoàn tất, đặc biệt là sản xuất hàng thể thao… và sẽ tiếp tục đầu tư vốn vào các dự án sản xuất mặt hàng kể trên trong hai năm 2015 và 2016”, đại diện Itochu tiết lộ.
Các dự án có quy mô vốn FDI lớn được cấp phép trong 6 tháng đầu năm hầu hết rơi vào lĩnh vực dệt may |
Nằm trong kế hoạch hợp tác giữa Itochu và Vinatex, hai bên sẽ cùng bỏ vốn thực hiện một số dự án mới, để sau 5 năm sẽ mang lại tổng doanh thu lên tới 60 triệu USD.
Là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, có trên 4.200 nhân viên (không bao gồm văn phòng tại nước ngoài và các công ty con), vốn điều lệ 2 tỷ USD và có mặt tại 139 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Itochu hiện có nhiều dự án dệt may lớn tại Việt Nam.
Ông Shimizou Motonari, Tổng giám đốc Itochu Prominent châu Á cho rằng, Việt Nam hiện là khu vực quan trọng ở châu Á để đầu tư về dệt may, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nỗ lực để kết thúc đàm phán và đi đến ký kết.
Tại buổi làm việc với Vinatex mới đây, đại diện Itochu cho biết, hết năm 2015, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Itochu tại Việt Nam ước đạt 400 triệu USD, đóng góp không nhỏ vào giá trị xuất khẩu của ngành dệt may. Trong một vài năm tới, khi các dự án mới của Itochu đầu tư tại Việt Nam vận hành, giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên nhanh chóng.
Nhưng Itochu không phải là nhà đầu tư duy nhất nhìn thấy cơ hội đầu tư dệt may tại Việt Nam. Danh sách nhà đầu tư đổ vốn vào dệt may tại Việt Nam vẫn tiếp tục nối dài.
Tập đoàn Dệt may Tân Thế kỷ Viễn Đông (FENC), một trong những nhà sản xuất vải dệt hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng vừa tiết lộ sẽ đầu tư 320 triệu USD để mở rộng công suất hiện nay tại Việt Nam.
FENC xác nhận, việc đầu tư nhằm tận dụng các cơ hội kinh doanh mà TPP có thể mang lại, kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam là cần thiết với tập đoàn này… Trong đó, để đáp ứng được “nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi” trong TPP như yêu cầu của Mỹ, FENC sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm vải đến gia công quần áo.
Sau khi được mở rộng, nhà máy ở Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất khép kín lớn thứ 3 của FENC, sau các cơ sở hiện nay ở Trung Quốc và Đài Loan.
Tổng doanh thu của FENC năm 2014 đạt 7,8 tỷ USD, với thế mạnh về sản xuất các sản phẩm hóa dầu và vải polyester trong ngành dệt may.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2015, các dự án có quy mô vốn FDI lớn nhất được cấp phép trong 6 tháng đầu năm đa phần rơi vào lĩnh vực dệt may.
Điển hình là Dự án Sản xuất và gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Tiếp đến là Dự án Sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP.HCM và Dự án Nhà máy sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD do nhà đầu tư Hồng Kông tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, sản xuất vải màu.
Ngay trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, một dự án có vốn đầu tư lên đến 274 triệu USD do Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) thực hiện đã được tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án dự kiến được triển khai trên khu đất rộng 99 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), có công suất sản xuất thiết kế gồm 43.200 tấn/năm sợi tổng hợp polyster; 127 triệu m2/năm vải dệt kim, nhuộm; 96 triệu m2/năm sản phẩm kéo sợi cotton.
Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương được cấp phép kể từ đầu năm đến nay và là dự án thứ ba của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau Trung Quốc, Đài Loan để sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may.
Theo kế hoạch, Công ty TNHH Polytex Far Eastern sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy với nguồn vốn đổ vào giai đoạn II lên tới 700 triệu USD.
Tại Hội nghị quốc tế “Diễn đàn Dệt may Việt Nam 2015” do Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Phòng Thương mại xuất nhập khẩu dệt may Trung Quốc (CCCT) tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua, bà Julia K. Hughes, Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ cho rằng, nhiều doanh nghiệp ở Mỹ có mong muốn sẽ tìm nguồn cung ứng từ nhiều quốc gia tham gia TTP khi hiệp định này có hiệu lực.
“TTP và các FTA sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến cho chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn thế giới. Đó chính là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam tận dụng đón đầu cơ hội hút thêm dòng vốn FDI trong thời gian tới”, bà Julia K. Hughes nhấn mạnh.
Theo Báo ĐầuTư