Bùng nổ hàng "nhãn siêu thị"... rẻ bất ngờ

Thứ năm, 09/07/2015, 15:17
Các siêu thị tự sản xuất hàng hóa mang nhãn mác riêng, bán với giá chỉ rẻ bằng 50-70% hàng hóa cùng loại thông thường, khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng.

Khi siêu thị thành nhà sản xuất

Gần đây, chị Hảo (Long Biên, Hà Nội), một khách hàng quen của hệ thống siêu thị Big C rất thích chọn các sản phẩm mang thương hiệu Big C, như: dầu ăn, tương ớt, nước mắm… thay vì các nhãn hàng phổ biến khác trên thị trường.

“Giá rẻ, chỉ bằng 2/3, thậm chí là một nửa hàng hóa cùng loại, trong khi chất lượng cũng chấp nhận được, nên tôi chọn mua”, chị Hảo giải thích.

Sản phẩm nhãn hiệu riêng của siêu thị đang được ưa chuộng

Chị Hảo kể, hàng tháng cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn chi tiêu nhờ lựa chọn các sản phẩm nhãn hiệu riêng của siêu thị. Đơn cử như dầu ăn loại 2 lít, hàng siêu thị của Big C chỉ có giá 52.400 đồng, trong khi dầu ăn Neptune 2 lít có giá 85 nghìn đồng, dầu ăn Simply 2 lít giá 87 nghìn đồng.

Hay sản phẩm Cola của Big C có màu sắc, hình thức giống Coca Cola, nhưng giá chỉ 9.700 đồng/chai 1,5 lít, trong khi CocaCola giá 15.100 đồng. Các sản phẩm quần áo thương hiệu Wow của Big C cũng chỉ có giá bằng hơn nửa so với sản phẩm quần áo hàng bình dân trong nước.

"Siêu thị luôn đề cao chất lượng và uy tín. Các sản phẩm mang thương hiệu riêng của siêu thị đến tay người tiêu dùng không chạy theo tiêu chí giá rẻ mà chỉ tận dụng lợi thế từ cắt giảm lợi nhuận, chi phí quảng bá hình ảnh để giảm giá sản phẩm”.

Bà Vũ Thị Hậu
Phó tổng giám đốc
Công ty CP Nhất Nam

 Tại siêu thị Metro trên đường Phạm Văn Đồng, chị Nga (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chọn mua một chai dầu ăn Aro 5 lít thương hiệu riêng của Metro với giá 121 nghìn đồng. Chị Nga cho hay, mức giá này rẻ bằng nửa so với dầu ăn các thương hiệu Neptune, Simply, Tường An…

“Có những mặt hàng nhãn hiệu Aro của Metro giá cũng tương đương hàng hóa khác, như đường Aro là hơn 19 nghìn đồng/kg, xấp xỉ đường Biên Hòa. Nhưng nhiều mặt hàng như: dầu gội, xà phòng giặt, bánh mì… giá rẻ chỉ bằng nửa hoặc 2/3, rất tiết kiệm”, chị Nga nói.

Dạo quanh một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Metro, FiviMart… PV nhận thấy tại tất cả các siêu thị trên đều có hàng hóa nhãn hiệu riêng. Các nhãn hiệu riêng chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu trong gia đình hàng ngày như: kem đánh răng, sữa tắm, bàn chải, dây buộc tóc, nước rửa bát… cho đến các loại thực phẩm như: thịt xông khói, thịt đông lạnh, sữa chua uống... Các nhãn hiệu riêng thường được đặt ở khu trưng bày bắt mắt, và được khá đông người tiêu dùng lựa chọn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, giá sản phẩm riêng của siêu thị luôn đặt mục tiêu thấp hơn các sản phẩm khác 5-30%.

“Đến nay chúng tôi có trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng, chủ yếu tập trung vào nhóm thiết yếu như: gia cầm, gạo, trà, bún gạo, nước mắm, nước suối, thực phẩm đông lạnh... đến những đồ dùng trong gia đình là bộ nồi, chảo…”, ông Nguyên nói.

Cần kiểm chứng chất lượng

Lý giải nguyên nhân tại sao hàng mang nhãn hiệu siêu thị lại có giá rẻ, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị FiviMart cho biết, giá hàng nhãn riêng luôn rẻ hơn sản phẩm của doanh nghiệp bởi vì siêu thị có lợi thế là kênh phân phối nên các nhà cung cấp không mất chi phí quảng bá, tiếp thị, chi phí quản lý, trung gian…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, nhãn hàng riêng của siêu thị là xu thế của thế giới và đã xuất hiện từ lâu. Ở Việt Nam, các công ty như Big C, Metro, Hapro… đã bắt đầu làm mấy năm nay và mới chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, khoảng vài trăm mặt hàng, chủ yếu là các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Nhờ nhãn hàng riêng, giá thành sản phẩm giảm được mấy phần trăm so với cùng loại sản phẩm, người tiêu dùng được hưởng lợi.

“Thực ra, đây là một lối thoát của liên kết sản xuất - phân phối, giải quyết tốt vấn đề sản xuất - phân phối cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng mặt trái của nó, các siêu thị nên tìm các mặt hàng khác với mặt hàng truyền thống của các nhà cung cấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà sản xuất, nhà cung ứng. Về phía các nhà cung ứng cũng cần có những “chiêu” riêng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nếu không sẽ thua cả hàng của siêu thị”, ông Phú lưu ý.

Ông Phú cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng nên quan tâm đến chất lượng của các nhãn hàng riêng của siêu thị bởi không loại trừ khả năng siêu thị có các “chiêu trò”. Chẳng hạn, một lọ nước rửa bát có thể bị sản xuất loãng hơn một chút so với sản phẩm cùng loại, người tiêu dùng cần tinh tường để có sự lựa chọn đúng đắn.

Theo Báo GiaoThông

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích