Siêu thị Vinatexmart |
Ngày 10/04/2015, Tập đoàn Vingroup (Mã chứng khoán: VIC) thông báo về việc CTCP siêu thị VinMart đã hoàn tất mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại Công ty Thương mại và Thời trang Việt Nam (Vinatexmart). Như vậy, Vingroup trở thành chủ sở hữu mới của chuỗi 39 siêu thị mang tên Vinatexmart trên 19 tỉnh thành trong cả nước.
Trước một thương vụ như vậy, có người cho rằng Vingroup, ngoài mục tiêu phát triển 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm cho thương hiệu Vinmart thì còn nhắm tới quỹ đất lớn tại các vị trí đắc địa của Vinatex.
Bên cạnh đó, lý giải cho việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam bán đi hệ thống Vinatexmart, có ý kiến cho rằng nguyên nhân là bởi các cửa hàng của Vinatex hoạt động động kém hiệu quả khi định vị hệ thống kinh doanh của mình là siêu thị tổng hợp nhưng vẫn ưu tiên phát triển kinh doanh ngành hàng của công ty mẹ là dệt may. Trong khi đó, mặt hàng này đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự khó khăn chung của nền kinh tế.
Tại buổi họp báo ngày 19/06/2015, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc của Vinatex đã giải đáp câu hỏi: Vì sao Tập đoàn lại bán hệ thống siêu thị cho Vingroup?
Ông Trường cho biết, trong 13 năm hình thành và phát triển, hệ thống siêu thị Vinatexmart tăng trưởng tốt về chiều rộng nhưng quy hoạch địa điểm chưa tốt. Cụ thể, sản phẩm dệt may của các đơn vị trong Tập đoàn được định vị là sản phẩm loại khá trở lên, tuy nhiên địa điểm bán hàng của Vinatex lại đặt khá nhiều ở vùng nông thôn – nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp và có nhu cầu tiêu dùng hàng giá rẻ, chất lượng thấp.
Điều này gây nên sự lệch pha giữa địa điểm phân phối và hàng hóa phân phối.
Ông Trường nhấn mạnh, chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam là bán hàng hóa từ loại khá trở lên. Vì vậy, địa điểm phân phối phải tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà nẵng, Cần Thơ... chứ không thể phân phối cả ở miền núi, vùng nông thôn …
Không những thế, theo con số ông Trường cung cấp thì tại hệ thống Vinatexmart, tỷ lệ doanh thu của hàng hóa tổng hợp (hàng tạp hóa) chiếm tới 2/3 trong khi doanh thu từ hàng hóa dệt may chỉ chiếm 1/3.
“Điều này không phù hợp với chiến lược phát triển của Vinatex. Chúng tôi muốn phát triển một hệ thống phân phối hàng hóa hàng dệt may nội địa, chứ không mong muốn một hệ thống siêu thị mà 70% là hàng tổng hợp.”
Xác định Vingroup là đối tác chiến lược, cổ đông lớn của Tập đoàn (chiếm 10% vốn điều lệ), Vinatex nhận thấy hệ thống này phù hợp với lĩnh vực kinh doanh hàng tổng hợp tại Vinmart.
Theo ông Trường, sự mở rộng nhanh chóng các địa điểm phân phối trong những năm qua là không phù hợp với quy tắc kinh doanh và chiến lược phát triển. Nếu cứ để hệ thống này tồn tại lay lắt, vốn nhà nước bị sử dụng không hiệu quả và người lao động cũng không có môi trường tốt nhất để làm việc.
Đó là những nguyên nhân để Vinatex ra quyết định bán hệ thống siêu thị 13 năm tuổi cho một đối tượng phù hợp hơn, còn Vinatex sẽ xây dựng mạng lưới khác phù hợp với chiến lược của mình để thực sự thực hiện vai trò của một Tập đoàn hàng hóa dệt may nội địa.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, việc chuyển nhượng hệ thống Vinatexmart cho Vingroup không làm ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh nội địa của Tập đoàn bởi vì trong Doanh thu nội địa năm 2014 của Vinatex (khoảng 22.000 tỷ) thì chỉ có 2.300 tỷ là từ hệ thống vinatex mart, tức 10%. Phần còn lại thuộc về doanh thu mảng bán quần áo đến từ hệ thống của May 10, Đức Giang, Nhà Bè, Việt Tiến… Hơn thế nữa, trong 2.300 tỷ doanh thu của Vinatexmart, doanh thu bán quần áo chỉ có 500 – 600 tỷ vì 70% là hàng tổng hợp.
Ngoài ra, ông Trường nhấn mạnh, các địa điểm mà siêu thị Vinatexmart đang tọa lạc chỉ là những địa điểm đi thuê chứ không phải tài sản của Vinatex.
Theo TrI Thức Trẻ