Tại hội thảo gần đây về gian lận thương mại trong thị trường tôn thép, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, thừa nhận tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra.
Theo ông Tín, do đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được gian lận về giá cả, niêm yết giá. “Tình trạng tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng từ Trung Quốc đội lốt tôn chính hãng đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, thậm chí ở ngay cả Thủ đô Hà Nội”, ông Tín cho biết.
Đại diện Cục Quản lý thị trường cho rằng, nạn tôn thép giả tác động xấu đến thị trường, làm ảnh hưởng đến thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng để phát hiện, làm rõ tình trạng tôn giả trên thị trường. “Từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tổng kiểm tra thị trường và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp cũng cần cung cấp cho cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật để hỗ trợ Quản lý thị trường trong kiểm tra, phát hiện vi phạm”, ông Tín cho biết.
Về tình trạng tôn giả đang hoành hành trên thị trường, trao đổi với PVTiền Phong, đại diện Tôn Hoa Sen cho biết, hiện tình trạng tôn nhái, tôn giả diễn ra ở nhiều địa phương với 3 hình thức chủ yếu: đôn dem, in nhái thương hiệu và không xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Với những hình thức gian lận này, ngoài việc ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, còn ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến cho môi trường cạnh tranh không lành mạnh, giảm thị phần của các doanh nghiệp uy tín và triệt tiêu động lực sản xuất của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nếu không làm trong sạch nền công nghiệp của chúng ta bằng các sản phẩm chất lượng có uy tín, cạnh tranh bằng năng lực của từng doanh nghiệp, tạo ra được sản phẩm có thể cạnh tranh trong nước, trong khu vực và thế giới thì đó là nguy cơ cực lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
“Các cơ quan chức năng cần tích cực kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng niêm yết công khai: tiêu chuẩn, chất lượng, giá của từng loại sản phẩm. Cùng đó cần có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm gian lận. Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, có uy tín trên thị trường.
Về phía doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối, giá bán... đồng thời đẩy mạnh quảng cáo tới người tiêu dùng”, đại diện Tôn Hoa Sen cho biết.
Cũng theo đại diện Tôn Hoa Sen, các cơ quan ban ngành chức năng có liên quan cần đẩy mạnh kiểm tra việc các doanh nghiệp khi bán hàng phải xuất đầy đủ hóa đơn theo đúng quy định. Để tránh nhầm lẫn, khách hàng cần yêu cầu đơn vị kinh doanh xuất hóa đơn mỗi khi mua hàng.