Ngành du lịch đang đứng trước thách thức lớn khi tỉ lệ du khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Một loạt giải pháp “cứu” ngành du lịch đã được đưa ra, trong đó có đề nghị bỏ thị thực (visa).
Đề nghị miễn visa từ lâu
Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định chính sách visa hiện là rào cản du khách quốc tế đến Việt Nam. Với việc Chính phủ đồng ý với đề xuất miễn thị thực cho công dân một số nước được đánh giá là thị trường khách trọng điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết trong các chính sách thu hút du khách quốc tế, visa bao giờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Để thu hút du khách, Thái Lan đã miễn visa cho công dân 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn visa đơn phương cho 49 quốc gia; Malaysia miễn cho 155 quốc gia, miễn đơn phương 82 quốc gia; Lào áp dụng e-visa và visa cửa khẩu cho 150 quốc gia, miễn đơn phương 10 quốc gia; Nhật Bản miễn visa cho khách Thái Lan, Malaysia, kéo dài thời hạn visa và cấp visa nhiều lần cho khách Campuchia, Indonesia, Philippines, Lào, Myanmar và Việt Nam. Nhờ vậy, năm 2014, lượng du khách đến Nhật Bản từ Thái Lan tăng 45,5%, từ Malaysia tăng 41%, từ Philippines tăng 70% và từ Việt Nam tăng 47% so với năm trước…
Khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội) Ảnh: Yến Anh |
“Nói thế để thấy so các nước trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam đang bất lợi nhiều ở góc độ visa. Đó là chưa kể, đôi khi lệ phí visa ít nhưng thời gian, chi phí đi lại cho việc này là lớn khiến du khách nản lòng” - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, không phải đến lúc khó khăn như gần đây mới có đề xuất mà nhiều ngành liên quan đã đề nghị miễn visa từ nhiều năm qua. Trước đây, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Thống kê cho thấy từ khi miễn visa (năm 2014), khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần, khách Hàn Quốc tăng 3,6 lần, từ Nga tăng 7,45 lần…
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho các nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn gồm: Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Tiếp theo là các thị trường mới và tiềm năng như Úc, New Zealand, Canada, Ấn Độ. Ngoài ra còn tính đến thị trường Belarus.
Cùng đó, ngành du lịch cũng đưa ra những đề xuất về việc áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian cấp visa nhằm thể hiện sự thân thiện, cởi mở, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi đến với Việt Nam.
Cần xem xét lợi - hại
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết theo một số người, nguyên nhân căn bản của việc giảm du khách vào Việt Nam là do hệ thống visa cản trở. “Tôi cho đây là ý kiến vội vàng và nên tìm căn nguyên của nó. Nếu cho rằng visa cản trở thì tại sao cũng hệ thống đó, năm 2014 lại có lượng khách lớn? Đến năm 2015 lại giảm, trong khi hệ thống visa đã thoáng hơn rất nhiều sau khi Luật Xuất nhập cảnh mới có hiệu lực?
Từ chỗ thị thực phải mất 1-2 tuần, nay giảm còn 1-2 ngày. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hệ thống cấp thị thực của Việt Nam đứng thứ 15/140 nước. Đó là nghịch lý nên phải thận trọng khi đánh giá. Theo tôi, nguyên nhân sụt giảm du lịch của Việt Nam là do xu thế sụt giảm chung trong khu vực” - ông nhấn mạnh.
Theo ông Nam, Bộ Ngoại giao đồng tình điều gì cản trở du lịch thì cần xem xét để tháo gỡ, trong đó có visa. Tuy nhiên, cần cân nhắc tổng thể, nếu duy trì visa thì được gì, bỏ thì được gì. “Tôi có cảm giác khi tìm biện pháp tháo gỡ thì rất nhiều người quên việc nâng cao chất lượng du lịch. Đó mới là điều quan trọng. Tôi nhắc lại, Bộ Ngoại giao tán thành chủ trương miễn thị thực nhưng phải cân nhắc vì nó tác động trực tiếp đến ngân sách của chúng ta” - thứ trưởng bày tỏ quan điểm.
Lập quỹ phát triển du lịch Để phát triển ngành du lịch, một trong những giải pháp mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ và đã được chấp nhận là thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Theo dự kiến, sau 5 năm, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch có quy mô tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% từ ngân sách nhà nước, 70% từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch. Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và cơ chế hoạt động sẽ rất linh hoạt. |
Theo Khám Phá