Đã có “visa”, quả vải vẫn khó bay thẳng sang Úc

Thứ sáu, 15/05/2015, 10:42
Dù quả vải đã có “visa” sang thị trường Úc, song đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu không thay đổi lề lối canh tác, chất lượng, lưu thông thì quả vải sẽ khó thành công tại thị trường mới

Lo lắng này được ông Lê Văn Ánh – Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ phần XNK Rau quả 1 Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu lên tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản Xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5 tại Hà Nội.

Chính vụ thu hoạch vải năm nay sẽ rơi vào khoảng trung tuần tháng 5 đến giữa tháng 7. Tin vui với người nông dân trồng vải năm nay là quả vải đã có “visa” để xuất khẩu sang thị trường Úc, một thị trường hoàn toàn mới so với thị trường truyền thống Trung Quốc lâu nay.

Đường "bay" sang Úc của quả vải Việt sẽ không gặp nhiều trở ngại?

Đánh giá cao nỗ lực tìm kiếm thị trường để mở rộng lối ra cho quả vải Việt, song với kinh nghiệm của mình ông Lê Văn Ánh lại tỏ ra bi quan. “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực này, nhưng với kinh nghiệm trong ngành thì việc này chưa thể kỳ vọng có kết quả ngay được” – ông Ánh nói.

Bởi theo ông, tìm kiếm thị trường, rồi mở cửa thị trường là một chuyện và trên lý thuyết “đưa ra việc này rất dễ”, nhưng còn thực tế thì sao? Người tiêu dùng nước họ đã biết quả vải của ta là cái gì đâu, nữa là tiếp cận thị trường, quảng bá chưa có. Hơn nữa, một hạn chế lớn nhất là khả năng vận chuyển để đảm bảo quả vải xuất đi vẫn giữ được độ tươi ngon.

Dù theo thông tin từ Tổng công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ giảm cước phí từ 2,3 – 2,5 USD/tấn cho doanh nghiệp xuất vải, nhưng mỗi chuyến bay cũng chỉ vận chuyển 10 tấn. Trong khi theo dự báo tổng sản lượng vải ở các tỉnh lên đến 200.000 tấn nên tình hình chưa có gì... sáng sủa.

Vì thế, ông Ánh dự báo, dù đã có thêm thị trường mới nhưng vải thiều năm nay vẫn sẽ được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc – thị trường truyền thống lâu nay không chỉ riêng với quả vải, mà với đa số mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.

“Vẫn phải nói thật, Trung Quốc vẫn là thị trường ta phải cố gắng nắm giữ, đẩy mạnh” – ông Ánh nói và nhắc lại câu chuyện ùn tắc nông sản vẫn là “căn bệnh tái đi tái lại” mỗi khi tới mùa vụ thu hoạch. Khi đã biết trước điều này, Chính phủ cần có giải pháp mở thêm điểm thông quan hoặc tăng thêm thời gian thông quan để quá trình xuất khẩu được thuận lợi hơn

“Rau quả không thể không nói đến mùa vụ, mùa vụ là tất yếu, nên đến lúc nó phải rộ lên. Vải không phải chỉ có Việt Nam có, thanh long, dưa hấu cũng vậy. Nhưng sở dĩ mình bán được vì lúc mình có nước khác không có, đó chính là chúng ta đã tận dụng mùa vụ”- vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả tiếp lời.

Mặt khác, để giảm bớt chi phí, thủ tục nhất là đối với hàng rau củ quả chế biến 100% ông Ánh cho rằng, mặt hàng này không nhất thiết phải qua kiểm dịch. Các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến rau quả và làm lưu thông rau quả trong một chuỗi mắt xích như quá trình sản xuất nông nghiệp, dành cho họ như một khoản trong sản xuất để cạnh tranh, ví dụ như VAT, giảm cước phí, hoặc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… thì tức là hỗ trợ nông dân. Khi đã tạo lập được quy trình sản xuất theo chuỗi thì hệ thống sẽ chạy thông suốt, góp phần thúc đẩy ngành trồng trọt.

Việc có mở thêm cửa thông quan với Trung Quốc để tránh lặp lại hiện tượng ùn tắc tại cửa khẩu với quả vải hay không, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, còn phụ thuộc vào đặc thù hoạt động thương mại, tiểu ngạch. “Việc trợ giá để đưa sản phẩm nông sản “tỏa” đi các nước là cần thiết, nhưng về lâu dài không thể mãi trông chờ vào trợ giá được mà phải tăng cường năng lực cạnh tranh. Cũng giống như việc, chúng ta cố gắng tối đa hóa lợi thế thương mại biên giới, nhưng để phát triển bền vững thì phải hướng tới xuất khẩu chính ngạch” – Thứ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích