Đến ồn ào
Năm 2012, báo chí Việt Nam ồn ào với đám cưới siêu sang của MC Quỳnh Chi và thiếu gia Trần Văn Chương, con trai nữ đại gia thủy sản lừng lẫy Phạm Thị Diệu Hiền. Dàn siêu xe dài hàng km thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận. Bà Hiền thậm chí còn khiến cộng đồng mạng “lác mắt” khi tuyên bố có thể mượn được cả phi cơ của bầu Đức để phục vụ buổi rước dâu.
Thế nhưng sau những ồn ào đó, sự thật phũ phàng nhanh chóng được hé lộ. Khi con trai và con dâu chưa kịp đi tuần trăng mật, gia đình bà Hiền đã bị rất nhiều nông dân “quây”. Bà bị tố quỵt nợ. Từ đây, hoạt động kinh doanh bê bết của công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), một trong những đại gia lừng lẫy nhất làng thủy sản mới được hé lộ.
Dù có những khi doanh thu đạt 100 triệu USD một năm nhưng do quản trị yếu kém, đầu tư dàn trải, lãnh đạo tiêu xài xa hoa, Bianfishco rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm: thua lỗ hơn 1000 tỷ đồng, nợ quá hạn các ngân hàng và các hộ dân nuôi thủy sản trên 600 tỷ đồng, hàng ngàn công nhân bị thất nghiệp... Án phá sản treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp lớn này.
Do có mối quan hệ nợ vay khủng với Habubank, ngân hàng buộc phải sáp nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nên Bianfishco lại có mối quan hệ bắc cầu với SHB.Việc mua lại toàn bộ 25 triệu cổ phiếu Bianfishco (chiếm 50% vốn điều lệ công ty) của bà Hiền không hề dễ dàng vì bà Hiền đã thế chấp khối tài sản khủng này tại các ngân hàng ACB, BIDV, VDB và Habubank. Nhưng cuối cùng SHB đã dàn xếp ổn thỏa.
Sau cuộc họp báo ngày 25/8/2012, với việc nắm giữ 50% cổ phần (tương ứng 250 tỷ đồng), SHB chính thức công bố trở thành cổ đông lớn của Bianfishco, bắt đầu thực hiện tái cấu trúc công ty này bằng kế hoạch bơm tiền hỗ trợ trả nợ nông dân và tham gia điều hành để nối lại hoạt động sản xuất - xuất khẩu.
Bầu Hiển soán ngôi nữ đại gia thủy sản đã gây “sốt” trên mặt báo trong thời gian dài. Thậm chí, đến cuối năm 2013, thương vụ này vẫn được nhắc tới và được xem là một trong những vụ thâu tóm điển hình dù phía SHB vẫn một mực phủ nhận hai từ “thâu tóm”.
Phải tới năm 2014, thương vụ này mới tạm lắng xuống. Nhưng đến đầu năm 2015, cái tên bầu Hiển và Bianfishco lại song hành và tạo nên “dư chấn” mới. Sau chưa đầy 3 năm gắn bó với Bianfishco, bầu Hiển bất ngờ “dừng cuộc chơi”.
Khi đến ồn ào thế nào thì khi ra đi, bầu Hiển cũng gây xôn xao như vậy. Tuy nhiên, lần này “dư chấn” mà bầu Hiển tạo nên có vẻ lớn hơn một chút vì được “cộng hưởng” với hàng loạt thông tin kiểu như bầu Hiển muốn mua sân bay, bầu Hiển muốn đầu tư ga Hà Nội,...
Theo đó, Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bianfishco đối với bầu Hiển và miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị với ông Lê kể từ ngày 06/05/2015. Hai sếp lớn của SHB “dừng cuộc chơi” là do chủ động từ nhiệm.
Khi ông Hiển ra đi, Bianfishco vẫn chưa dứt được thua lỗ. Năm 2014, Bianfishco đã phát sinh khoản lỗ sau thuế là 426 tỷ đồng và lỗ lũy kế 2.544 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay và nợ ngắn hạn thanh toán của công ty đã quá hạn thanh toán vào ngày 31/12/2014.
Giải thích về lý do từ nhiệm của bầu Hiển và ông Lê trên Trí thức trẻ, SHB cho biết do cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN trong đó quy định “về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
Theo quy định này, các giao dịch cấp tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với các cá nhân, tổ chức là người có liên quan của tổ chức tín dụng bị hạn chế với những điều kiện cấp tín dụng rất chặt chẽ”. Như vậy, việc cả Chủ tịch và Tổng giám đốc SHB cùng “vào” Bianfishco là không phù hợp với quy định tại Thông tư này và làm ảnh hưởng đến khả năng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty.
Để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo nguồn vốn đáp ứng hoạt động sản xuất bình thường của Bianfishco, SHB đã có văn bản đề nghị Hội đồng Quản trị Bianfishco chấp thuận cho SHB được thay đổi người đại diện phần vốn góp của SHB tại công ty.