VietJet lý giải chuyện "không bồi thường cho khách kêu mất đồ"

Thứ tư, 13/05/2015, 08:03
Hành khách của VietJet cho biết, viên đá thạch anh bị mất được đặt trong vali quần áo và được khóa cẩn thận bằng khóa số của vali và khóa dây.    

Như chúng tôi đã đưa tin, anh Bùi Anh Đức (Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng) có phản ánh về việc anh bị mất viên đá thạch anh ký gửi trong vali khi đi trên chuyến bay của hãng hàng không VietJet Air.

Theo anh Đức trình bày, viên đá thạch anh này được đặt trong vali quần áo của anh và được khóa cẩn thận bằng khóa số của vali và khóa dây.

Sau khi tiếp nhận thông tin, sáng ngày 12/5, đại diện của VietJet Air đã có phản hồi chính thức đối với trường hợp của khách hàng Đức.

Theo đó, anh Bùi Anh Đức có chuyến bay đi từ Đà Lạt về Nội Bài (Hà Nội) với số hiệu chuyến bay là VJ482 ngày 9/5/2015.

Lúc xuống máy bay ra băng chuyền nhận lại vali hiệu POLO KING với khối lượng kiện là 18,3kg, anh Đức khai báo mất 01 khoá dây, 01 viên thạch anh hồng, đường kính 3cm.

Tại đây, nhân viên Đào Thị Mận thuộc Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Nội Bài là đơn vị cung cấp dịch vụ cho VietJet Air tại sân bay Nội Bài (HGS) là bên lập biên bản tiếp nhận sự việc.

Hồ sơ cũng điền đầy đủ hạng mục và giải thích rõ cho khách về việc ghi nhận chụp ảnh tại quầy hành lý bất thường.

Trong ngày 11/5/2015, bà Nụ - đại diện VietJet tại HAN cũng đã gọi điện xin lỗi khách và giải thích việc để vật phẩm có giá trị trong hành lý ký gửi là không đúng với quy định của hãng.

Tuy nhiên tại thời điểm lập hồ sơ, “hành lý không có bất thường, không có chênh lệch trọng lượng so với lúc đầu ký gửi tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt)” nên "Phòng Dịch vụ Khách hàng không đưa ra mức hỗ trợ gì cho hành khách".

Biên bản ghi nhận sự việc do anh Đức chụp lại

Nhiều đơn vị cùng tham gia phục vụ một kiện hành lý

Đại diện của hãng hàng không này cũng cho biết thêm, ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia khác, hãng vận chuyển hàng không điều phải thuê công ty phục vụ mặt đất để thực hiện việc làm thủ tục cho khách và hành lý.

Sau khi nhân viên của công ty phục vụ mặt đất làm thủ tục cho hành lý xong thì hành lý sẽ đi qua khu vực soi chiếu về hải quan.

Nếu có những vật phải liên quan về khai báo hải quan thì sẽ do bên hải quan giải quyết.

Cùng thời điểm này hành lý cũng đi qua máy soi chiếu về an ninh, các vấn đề liên quan đến an ninh sẽ do nhân viên an ninh giải quyết.

Hãng vận chuyển, công ty phục vụ mặt đất, hải quan và an ninh soi chiếu là 4 đơn vị khác nhau.

Sau đó hành lý sẽ đi về khu vực băng chuyền. Ở đây có 1 bộ phận gọi là "phục vụ hành lý" thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hành lý cho đúng từng chuyến bay và chặng bay, sau đó xếp vào những thùng hành lý.

Tất cả các quy trình này đều thực hiện dưới sự giám sát của cấp trên, và an ninh nhà ga.

Những hành lý này sau đó được kéo ra máy bay và được nhân viên bốc xếp chất hành lý lên máy bay.

“Như vậy có quá nhiều bộ phận tham gia vào việc phục vụ một kiện hành lý từ khi làm thủ tục đến khi được đưa ra máy bay.

Vậy khi việc mất mát xảy ra chúng ta nên xem xét từ khâu nào? Đầu đến hay đầu đi?

Khi có các sự cố về mất mát về đồ đạc quý giá xảy ra thì hãng vận chuyển luôn gửi yêu cầu công ty phục vụ mặt đất điều tra và trả lời, sau đó chuyển đến khách hàng.

Tại sao hãng vận chuyển lại khuyến cáo không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi? Vì họ muốn miễn trừ trách nhiệm.

Vì họ không tham gia trực tiếp các công đoạn trên nên không dám đảm bảo việc mất mát, thất lạc sẽ không xảy ra.

Và không có một cơ sở nào để chứng minh khách khai báo mất hành lý quý giá là thật hay giả mạo. Vì thế thường hãng hàng không sẽ bồi thường theo kg”, đại diện của VietJet nhấn mạnh.

Nhưng trường hợp của anh Đức, khi cân lên, không thấy trọng lượng hành lý thay đổi, sụt giảm, nên hãng không thể bồi thường.

Thông qua vụ việc này, VietJet cũng đưa ra khuyến cáo hành khách không mang theo các vật phẩm có giá trị trong hành lý ký gửi được nêu rõ trong điều 9.2 của Điều lệ vận chuyển bao gồm:

9.2. Các đồ vật không được chấp nhận là Hành lý

9.2.1. Hành khách không được để trong Hành lý ký gửi các đồ vật dễ vỡ, hàng mau hỏng (đồ tươi sống, thực phẩm dễ hư hỏng…), các vật dụng quý và/hoặc có giá trị khác bao gồm: tác phẩm nghệ thuật, máy quay phim, máy ảnh, tiền, đồ trang sức, kim loại quý, đá quý, máy tính, các thiết bị điện tử, giấy tờ có giá trị chuyển đổi thành tiền, chứng khoán, tài liệu đàm phán, hợp đồng, tài liệu kinh doanh, hàng mẫu, giấy tờ tùy thân… .

9.2.2. Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại nào mà Hành khách phải chịu nếu Hành khách vẫn để những đồ vật được quy định tại Điều 9.2.1 trong Hành lý của mình, cho dù chúng tôi có biết hay không.

Trước đó anh Đức cũng cho biết, viên đá thạch anh này được anh mua về với mục đích để sưu tầm. Vì giá trị của nó không lớn nên anh không có giấy tờ chứng nhận về sản phẩm.

Như vậy, với việc anh Đức không khai báo đồ quý, có thể nói gần như không xác định được anh Đức bị mất đồ gì.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn