Thời sinh viên, với mong muốn được trải nghiệm thực tế, tôi đã làm rất nhiều công việc từ gia sư, dạy đàn organ, phát tờ rơi, nhân viên kinh doanh, tư vấn hàng tiêu dùng cho đến nhân viên truyền thông của một trung tâm văn hóa giáo dục và đào tạo.
Năm 2010, khi đi dạy đàn organ, tôi tình cờ được một phụ huynh giới thiệu đến trung tâm văn hóa giáo dục để thực tập (tôi học năm cuối đại học) và được giữ lại làm sau đó.
Thời điểm này, lương khởi điểm của tôi tại trung tâm là 2,5 triệu đồng, cộng với lương dạy đàn 1,5 triệu nên tổng thu nhập được 4 triệu mỗi tháng. Đối với một sinh viên vừa ra trường lại sống cùng gia đình ở thành phố thì mức thu nhập này là khá ổn so với bạn bè đồng lứa vẫn đang loay hoay tìm việc.
Tuy nhiên, tôi không muốn an phận mà thích làm một cái gì đó của riêng mình nên quyết định rời khỏi công ty để khởi nghiệp. Tôi còn nhớ như in buổi chiều cuối cùng tại văn phòng trung tâm - nơi đang làm việc. Tôi đã chia sẻ về ước mơ của mình với các đồng nghiệp rằng sẽ lập công ty về lĩnh vực diễn thuyết.
Hôm ấy, bên cạnh sự ủng hộ ngoài mặt, tôi cảm nhận được sự hoài nghi, thiếu tin tưởng từ nhiều người. Bởi vào thời điểm đó, tôi còn quá trẻ khi mới bước qua tuổi 22, thiếu nhiều thứ từ kỹ năng, kinh nghiệm, đến mối quan hệ, vốn sống ... và chưa kể còn có tật nói khá nhanh, thành ra nói lắp.
Gạt qua những điều đó, tôi vẫn rời nơi làm việc cũ để thực hiện ước mơ chỉ với hành trang gói gọn trong 4 chữ "đam mê" và "liều mạng". Tôi lang thang khắp nơi tìm kiếm cơ hội, bỏ ngoài tai những lời ngăn cản, trách móc từ gia đình và người thân khi ấy.
Thời điểm này, "kỹ năng mềm" vẫn là một khái niệm xa lạ, mơ hồ và chưa được biết đến rộng rãi, đặc biệt là các bạn sinh viên. Thậm chí, khi tôi nói mình làm bên lĩnh vực "kỹ năng mềm", có người còn nhầm tưởng tôi làm về lĩnh vực phần mềm máy tính, kể cả ba mẹ tôi.
Gần cuối năm 2010, tôi mạnh dạn đề nghị một người quen vốn là thầy đã truyền cho đam mê kinh doanh ngay từ khi bước vào năm đầu đại học, thành lập một câu lạc bộ về kỹ năng mềm. May mắn anh đã đồng ý. Với kinh nghiệm, vốn sống, khả năng diễn thuyết thu hút của anh có thể khỏa lấp được những hạn chế về ăn nói của tôi, cũng như làm điểm tựa để tôi thực hiện mơ ước.
Tháng 4/2011, tôi và anh chính thức thành lập công ty với số vốn 60 triệu đồng (mỗi người góp 30 triệu). Công ty gồm 5 người, trong đó có tôi, anh và ba người khác đảm trách công việc MC, IT và marketing. Khi đi vào hoạt động, tôi bắt đầu chạy khắp các trường đại học để giới thiệu chương trình mà chúng tôi chia sẻ, nhưng đáp lại là những cái lắc đầu.
Không nản chí, chúng tôi tiếp tục cố gắng duy trì những chương trình hội thảo nhỏ lẻ ở các quán cà phê vào mỗi tuần, kể cả đó là những chương trình miễn phí và phi lợi nhuận. Kết thúc năm 2011, lượng người tham gia chương trình của công ty tôi là 500 - một con số cực kỳ khiêm tốn.
Đến đầu năm 2012, sóng gió bắt đầu ập đến chỉ sau một năm tôi mở công ty. Anh em làm chung bắt đầu nản vì không tạo ra thu nhập nên họ ra đi dần. Số vốn ít ỏi sau một thời gian cầm cự cũng không còn đồng nào và âm thêm 20 triệu. Riêng tôi thì càng chật vật và suy sụp khi người yêu cũng chia tay vì gia đình cô ấy muốn ra nước ngoài và lấy một người giàu có hơn. Vì quá buồn, tôi trượt luôn cả kỳ thi cao học.
Trước những áp lực này, tôi chấp nhận đóng cửa công ty và ký hợp đồng thời vụ đi làm nhân viên truyền thông cho một công ty bảo hiểm trong 3 tháng với mong muốn quên hết mọi thứ và làm mới chính mình.
Sau 4 năm, từ một người nói lắp, anh Tiến đã thực sự trở thành diễn giả, tổ chức hàng trăm chương trình hội thảo chia sẻ cho hơn 30.000 người. |
Ba tháng ngắn ngủi đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn về quan điểm và cách sống. Tôi được học nhiều kinh nghiệm hơn về cách điều hành, quản trị nhân sự và cả những kinh nghiệm sống quý giá khác từ những người sếp.
Cuối năm 2012, sau khi kết thúc hợp đồng tại công ty này, tôi tự vực mình dậy và cùng với 4 người bạn gom góp 100 triệu đồng tiếp tục lập lại công ty để thực hiện ước mơ còn dang dở.
Lần này, tôi mở văn phòng ngay tại nhà nên tiết kiệm được khoản tiền thuê hàng tháng. Và thay vì thuê nhân viên, trả lương cứng mỗi tháng như trước, giờ tôi thuê các bạn sinh viên làm cộng tác viên, trả tiền ngay sau mỗi chương trình hội thảo tổ chức thành công, trung bình 50.000 - 100.000 đồng mỗi người (khoảng 3 tiếng) nhằm tránh rủi ro về vốn. Ngoài ra, nhờ trước đó đã tổ chức được vài chương trình nên quan hệ, quen biết với các diễn giả nhiều hơn và việc mời họ tham gia cũng thuận lợi. Nhiều người sẵn sàng chia sẻ với thù lao tượng trưng, thậm chí là miễn phí.
Còn tôi, dù rất thích làm diễn giả nhưng trước giờ chưa từng dám thử sức mà chỉ làm công việc tổ chức. Một ngày nọ bất ngờ có một người chuyên làm diễn giả bị kẹt show do trùng giờ nên đã nhờ công ty tôi tìm người đi giảng giúp. Hôm đó, tất cả các diễn giả liên kết đều kẹt lịch, chương trình thì đã lên, thế là tôi quyết định đi thay.
May mắn là chủ đề chương trình lại đúng ngay những gì tôi từng trải nghiệm, đó là kỹ năng viết đơn xin việc và phỏng vấn ứng tuyển. Do thời sinh viên tôi đã từng chủ động vác hồ sơ qua hơn một chục công ty với nhiều vị trí, ngành nghề khác nhau nên giờ chia sẻ thoải mái và hào hứng. Ngạc nhiên khi nhận ra rằng, đứng trên sân khấu và chia sẻ, tự nhiên tôi không còn cảm giác tự ti, không còn bị nói lắp nữa.
Buổi học hôm ấy được đánh giá cao về hiệu quả từ phía học viên và nhà trường. Sau chương trình đó, chúng tôi bắt đầu có những lời mời nhiều hơn do nhà trường giới thiệu, và hết 2012, công ty đã thu hút hơn 3.000 học viên tham gia các khoá học.
Đến năm 2013, công ty lại may mắn được một người bạn giới thiệu cho Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên của thành phố. Nhờ đúng với tiêu chí chia sẻ bằng đam mê và không đặt nặng vấn đề thù lao, chúng tôi được trung tâm giới thiệu và mời chia sẻ cho hàng chục trường phổ thông, cao đẳng, đại học.. trên địa bàn thành phố.
Kết thúc năm, cả công ty hào hứng với con số mà ngày xưa nằm mơ cũng không dám nghĩ, hơn 20.000 lượt học viên tham gia. Trong đó, tôi chiếm gần phân nửa cơ hội được đứng lớp với chủ đề viết hồ sơ xin việc và phỏng vấn ứng tuyển.
Cũng trong khoảng thời gian này, chủ yếu vì là hoạt động không phí nên các thành viên khác và tôi phải ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng tranh thủ thi lại cao học và đậu.
Nhờ đi làm bên ngoài nên mỗi người đều tự chủ về tài chính và sống được khi công ty không tạo ra nguồn thu. Bên cạnh đó, khi chia sẻ cho sinh viên tại các trường hay theo lời mời của Đoàn trường, Hội sinh viên, thì phí diễn giả, báo cáo viên cũng hạn chế, chỉ tầm 500 đến một triệu đồng cho mỗi buổi. Số tiền đó, tôi dùng để duy trì website và tổ chức các chương trình nhỏ lẻ tránh bị loãng trong quá trình tìm kiếm những chương trình tổ chức đào tạo mới.
Một năm trở lại đây, công ty tôi mới bắt đầu có nguồn thu tốt hơn. Trung bình mỗi tháng tôi và 4 thành viên khác thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng cho việc đi giảng đều đặn 1-2 buổi mỗi tuần (trung bình một triệu đồng một buổi vào cuối tuần hoặc buổi tối). Ngoài ra, nhờ vẫn duy trì công việc làm bên ngoài nên tổng thu của mỗi người dao động từ 16-20 triệu mỗi tháng. Tất cả đều nhất trí là khi công ty còn nhỏ thì mọi người sẽ làm song song cả 2 đầu việc nhằm duy trì đa nguồn thu, đảm bảo ổn định cuộc sống thay vì bỏ hết tất cả để chỉ tập trung cho mỗi công ty.
Số tiền này chẳng đáng là bao so với các ông chủ của doanh nghiệp khác nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng vì với tôi quan trọng nhất là mình làm được một điều mà ngày xưa bị người khác chê cười: nói lắp lại đi làm diễn giả.
Giờ nghĩ lại, nếu ngày đó bỏ cuộc vì kiệt sức khi cố gắng duy trì một công ty qua gần 3 năm phi lợi nhuận, hoặc không dám "liều mạng" một lần đi giảng thế cho người khác, không dám vượt qua mặc cảm nói lắp của mình... thì ngày hôm nay, tôi đã không thể trở thành diễn giả chuyên nghiệp.
Sau 4 năm, tôi đã thực sự trở thành diễn giả, được đặt chân qua khoảng 30 ngôi trường khác nhau, tổ chức hàng trăm chương trình hội thảo chia sẻ cho hơn 30.000 người. Thành quả này là niềm tự hào lớn được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tâm huyết không chỉ riêng của tôi mà còn có cả những cộng sự khác.
Từ câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ rằng, các bạn trẻ hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình. Vì khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để bạn trải nghiệm và trưởng thành.
Đặng Tuấn Tiến
Theo VnExpress