Sự thật về những chiếc áo "chống tia tử ngoại"

Thứ hai, 11/05/2015, 12:21
Mùa hè đến, nhu cầu sử dụng áo chống nắng cũng tăng lên chóng mặt. Nổi lên trong đó là những quảng cáo hấp dẫn về chiếc áo có khả năng cống tia UV với mức giá bán từ 500 nghìn cho tới cả vài triệu đồng. Đắt là thế nhưng thực hư công dụng của chiếc áo có đúng như lời chào hàng hay không là điều mà người tiêu dùng không thể tự trả lời.

Kiểu dáng, mẫu mã của các loại áo khoác chống nắng năm nay cũng rất phong phú, đa dạng: loại kéo khóa, loại cài cúc, loại có mũ trùm đầu, loại một lớp, loại có lớp lót đệm bên trong… Giá áo khoác chống nắng kiểu này thông thường dao động từ 70- 280.000 đồng/1 chiếc tùy vào kiểu dáng và chất lượng sản phẩm.

Đấy chỉ là nững sản phẩm may thủ công bình dân mà những người kinh tế eo hẹp lựa chọn. Ngoài ra, ai có nhu cầu “sang” hơn chút thì sẽ để mắt tới một dòng áo chống nắng được nhập từ Nhật với giá rao bán khỏang 500 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, các loại áo, váy chống nắng chống tia cực tím có tên gọi UV 45 – 50 – 100, mặc dù từ mùa hè năm ngoái đã được các chuyên gia đánh giá là không mấy tác dụng trong việc tránh tia cực tím nhưng năm nay, loại sản phẩm này vẫn không hết độ "nóng".

Nếu như một chiếc áo chống nắng loại thường giá chỉ từ 70.000 đến 150.000 đồng thì giá một chiếc áo chống nắng UV100 có thể lên đắt gấp chục lần, lên tới con số vài triệu đồng. Nhưng nhiều người vẫn “cắn răng chịu chi”.

Chị Ngọc An (nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho biết, chị đặt mua một chiếc áo khoác chống nắng có giá 2.500.000đ được quảng cáo là có tác dụng chống tia tử ngoại xâm nhập gây tác hại cho da. Tuy nhiên, theo chị An, “nghe thế thì cũng cứ tin thế mà mua thôi chứ thực hư chẳng biết thế nào, nếu không chống được tia tử ngoại cũng có ung thư da ngay đâu mà biết được. Hơn nữa, cũng mua vì mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt”.

Chỉ cần gõ từ khóa “áo chống nắng chống tia tử ngoại” sẽ cho ra hàng trăm nghìn kết quả trong chưa đầy 1 giây với đủ những lời quảng cáo hấp dẫn. Giá rẻ nhất cho một chiếc áo chống nắng là 500.000đ, thậm chí có những sản phẩm giá lên tới trên gần 4 triệu đồng. Găng tay, khẩu trang, mũ cũng từ 300.000 - 500.000đ.

Đa số các sản phẩm này đều có mẫu mã thiết kế đẹp, màu sắc sáng sủa, tươi mát (hồng, trắng ghi, ghi sáng, xanh nhạt...) và đều được giới thiệu là có chứng nhận của Cục bảo vệ an toàn bức xạ năng lượng nguyên tử Australia (ARPANSA) về chỉ số UPF (chỉ số chống nắng đối với vải vóc).

Theo đó, các sản phẩm đa phần có chỉ số UPF 50+, với "tỷ lệ che UV" có thể đến 99,57.

Sự thật về chiếc áo chống tia tử ngoại

Rất nhiều người tìm đến những chiếc áo chống nắng được quảng cáo là chống tia tử ngoại. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, những lời mời chào này chỉ là chiêu “câu khách”, khả năng ngăn tia tử ngoại của sản phẩm là rất ít và hoàn toàn chưa được cơ quan nào kiểm định.

Nhận xét về áo chống nắng chống tia tử ngoại, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, đó chỉ là chiêu trò câu khách của giới kinh doanh, thực tế loại áo nào cũng có thể chống nắng được, thậm chí là những loại áo vải thông thường, chỉ cần thiết kế dài tay, chất liệu vải dày và che chắn để tránh ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp và gây hại cho da.

Về việc chọn và sử dụng áo chống nắng đúng cách, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng đưa ra những lời khuyên cho người tiêu dùng. Thứ nhất, mọi người không nên nghe những lời quảng cáo trên mạng bởi trên thực tế không có loại áo chống nắng nào có chứa chất chống tia tử ngoại hay ung thư da, mà tác dụng che chắn ánh nắng mặt trời của nó phụ thuộc vào độ dày, chất liệu vải áo.

Thứ hai, nên chọn áo chống nắng được làm từ sợi vải cotton hoặc vải bông để có thể thấm mồ hôi tốt hơn, mặt khác, nên chọn những loại áo chống nắng có màu sẫm, đục nhằm chắn tia tử ngoại tiếp xúc với da hiệu quả nhất.

Khi mặc áo chống nắng không nên chọn loại áo bít kín như nilon, bởi loại áo này có thể làm cho mồ hôi tiết ra không thoát được hơi, dẫn đến bít lỗ chân lông và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo Năng lượng Mới

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích